5 chức danh công việc trong Startup

1. Founder/ Co-founder (Sáng lập viên- đồng sáng lập viên)

Là ai: Các bạn thành lập/ đồng sáng lập nên các công ty startup.

Chắc chắn đến một giai đoạn nào đấy (chắc tầm khoảng 1–2 năm nữa), các bạn sẽ không còn giật mình khi thấy cái thằng vẫn đi thi lại cùng mình hồi đại học, dăm tháng trước hỏi còn bảo “tao đang thất nghiệp” đùng một cái lên chức Founder/ co-founder của một công ty XYZ nào đó. Sẽ có rất nhiều founder/co-founder đấy.

Đặc điểm: Thường giỏi (thường thôi nhé). Dù bạn có thấy việc nó bỗng có cái title mới vớ vẩn thế nào, thì bạn cũng không thể phủ nhận là thằng đấy có giỏi một cái gì đấy. Hai là dám nghĩ dám làm hoặc còn gọi là liều. Ba là NGHÈO. Bạn sẽ thấy phần lớn các founder/ co-founder của bạn đều nghèo) Còn sau này giàu hay không như bạn trong ảnh dưới thì không biết.

2. Angel investor (nhà đầu tư cá nhân)

Là ai: Là những người sẽ rót tiền vào các startup trong giai đoạn đầu. Thuật ngữ “angel” có nguồn gốc từ các nhà hát Broadway, nơi mà các “angel” là những cá nhân tài trợ tiền cho các vợ kịch, nếu không thì nó sẽ bị đóng cửa.

Đặc điểm: Có tiền, thậm chí rất nhiều tiền (thường ở nước ngoài, cần có tối thiểu 1 triệu $ trong tài khoản để được coi là một angel investor). Nhưng quan trọng hơn, họ có mối quan hệ rộng và kinh nghiệm trong nghề, đủ để che chở bao bọc, yêu thương một startup mới và có khả năng mang lại tiền, tất nhiên.

3. COO — Chief operation officer (giám đốc vận hành)

Là ai: Là một thành viên trong ban giám đốc (C-suit). Để dễ hiểu thì như này, nếu CEO là người hoạch định chiến lược phát triển cho công ty thì COO là người hiện thực hóa những chiến lược đó và giúp CEO điều hành hoạt động hàng ngày ở công ty. Người ta thường nói COO là nhân vật số 2 trong công ty, chỉ sau CEO.

Có lẽ bạn sẽ thường thấy COO ở các công ty hoặc tập đoàn lớn, chứ ít thấy ở các startup và lại càng ít ở Việt Nam. Nhưng hiện nay mình cũng đã bắt đầu thấy một vài công ty startup ở mình có title này. Vậy tại sao startup có thể sẽ cần COO? Thường là vì CEO trong các công ty startup tech này đặc biệt giỏi/thích một mảng công việc, ví dụ mê lập trình, giỏi phát triển sản phẩm,… Như vậy, COO sẽ “quán xuyến” công việc giúp CEO để họ tập trung vào điểm mạnh nhất của mình.

Đặc điểm: Làm việc cực kì ăn ý với CEO, có kiến thức tổng quát cả về kiến thức nghề cũng như kĩ năng quản trị.

4. Community manager (Giám đốc phát triển cộng đồng)

Mình thấy các công ty startup mà sản phẩm có số lượng người dùng lớn và đặc trưng thì sẽ có vị trí này. Kiểu như Uber hay Etsy chẳng hạn. Vị trí này chưa phổ biến lắm ở Việt Nam, nhưng mình bắt đầu thấy tuyển nhiểu, đặc biệc là các công ty có US-based (Umbala, Misfit đều đang tuyển…)

Là ai: Hiểu chung chung thì là các bạn sẽ kết nối, phát triển cộng đồng những người đang và sẽ sử dụng sản phẩm, thường gọi là “community of fans”. Các bạn ý sẽ là sự pha trộn giữa marketing và chăm sóc khách hàng. Còn chi tiết hơn, bạn có thể xem phần Responsibility trong 2 link tuyển dụng ở phía trên.

5. Venture partners

Là ai: Như bài trước mình có nói về Venture Capitals, các công ty đầu tư sẽ rót tiền vào startup. Khi cộng đồng startup phát triển thì sẽ có nhiều VC vào Việt Nam để tìm chỗ tiêu tiền, khi đó thì họ sẽ cần có các venture partners. Công việc chính của họ sẽ là tìm kiếm các ngành nghề, công ty mới để đầu tư, tham gia vào các vụ đầu tư, hỗ trợ các công ty nhận đầu tư.

Thật ra, mình mới biết tới job này khoảng 1 tuần trước và vẫn đang chưa thực sự hiểu hết về nó. Mình nghĩ các công ty đầu tư lớn kiểu IDG Ventures chắc chắn có vị trí kiểu này lâu rồi nhưng search mãi không ra, không biết họ gọi tên gì khác không. Nhưng khi cộng đồng startup phát triển mạnh thì sẽ có nhiều VC vừa và nhỏ vào nữa thì lúc đó nhu cầu sẽ nhiều hơn và mình tin sẽ có nhiều bạn làm job này. Bạn nào quan tâm có thể đọc thêm ở đây.


Nguồn: Báo DĐDN