Nhìn những chiếc balo không chiếc nào giống chiếc nào với thiết kế độc đáo, đường may cẩn thận, chỉn chu, ít ai biết được đó là những sản phẩm được làm từ quần jean bỏ đi bằng đôi tay khéo léo của cô nàng mới 26 tuổi.
Sinh năm 1995, Phạm Thị Hải Dương (quê Phú Yên) đã từng tốt nghiệp Đại học rồi làm cộng tác viên, biên tập viên của một số tờ báo và phụ trách biên tập ấn phẩm du lịch, văn hóa của công ty truyền thông hay trường học quốc tế. Thế nhưng, chị lại có niềm đam mê đặc biệt với công việc thiết kế thời trang.
Cô gái Phú Yên xinh đẹp có niềm đam mê đặc biệt với công việc làm túi xách từ quần jean.
Vừa đi làm, chị Dương vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi và cuối tuần để tham gia một lớp thiết kế thời trang trong vòng 1 năm với mục đích là học thiết kế và may đầm dạ hội, váy cưới.
Từ đây, chị đã giúp mình có những hình dung sơ khởi về chất liệu, bố cục, chi tiết tới cách sử dụng máy may và cắt may nói chung.
“Cuối năm 2019, tôi dọn dẹp nhà cửa vào thì phát hiện mình có rất nhiều quần jean còn tốt và khá mới. Nhiều chiếc có họa tiết trang trí rất đẹp, chỉ mặc vài lần nhưng bị lỗi mốt, không phù hợp với xu hướng thời trang nên đã bị “bỏ quên” trong góc tủ nên bắt đầu tìm hiểu về cách tái chế quần jean cũ”, chị Dương kể.
Những chiếc quần jean cũ đã lỗi mốt được chị Dương tận dụng làm balo, túi xách.
Trong quá trình tìm hiểu, chị Dương phát hiện quần jean cũ có thể làm được rất nhiều vật dụng có ích trong cuộc sống hàng ngày như lót ly, lót ghế, thảm chân, đặc biệt là có thể tái chế thành các sản phẩm túi xách, balo.
“Ban đầu, khi bắt tay vào làm, tôi không có hình dung gì về nguyên phụ liệu làm túi, ba lô như tên các loại khoen, khóa, dây kéo, chân nấm, quai da… nên phải xem những video hướng dẫn làm ba lô, túi ví từ các bài hướng dẫn trong nước tới nước ngoài”, chị Dương cho hay.
Những chiếc balo độc nhất vô nhị làm từ quần jean do chị Dương cắt may.
Sau nhiều lần tìm kiếm nguyên vật liệu, làm thử và rút kinh nghiệm, chị Dương đã thống nhất được nguyên liệu và quy trình thực hiện chuẩn, từ nghiên cứu kích thước, lên mẫu, tháo chỉ quần jean cho đến việc cắt, may và trang trí.
Những sản phẩm tái chế từ quần jean được chị Dương chụp ảnh lại rồi khoe với bạn bè, không ngờ được rất nhiều người thích thú. Rất nhiều người đã mang những chiếc quần jean cũ của mình đến tặng chị hoặc nhờ chị may thành túi.
Giá của mỗi sản phẩm từ 260-540.000 đồng.
Từ những chiếc quần jean đơn thuần, qua bàn tay khéo léo của chị Dương đã trở thành những chiếc balo, túi xách cực kỳ độc đáo.
Nhận thấy nhu cầu về túi hay balo là rất lớn so với các sản phẩm khác, chị Dương quyết định nghỉ công việc văn phòng để may đồ jean tái chế.
Chị đã đi tìm kiếm, tận dụng các nguồn quần jean để có nguyên liệu làm túi, từ khách hàng gửi đến may; các cơ sở bán quần áo mới và cũ; các tủ quần áo từ thiện ở các vùng xa gửi lại do là quần jean thời trang, không phù hợp…
Từ những chiếc balo đơn giản đến phức tạp đều được chị Dương tự tay làm.
Ngoài balo, chị Dương còn sáng tạo ra các mẫu túi đeo chéo cực độc đáo.
Theo chị Dương, các tủ từ thiện ở vùng xa có rất nhiều quần jean thời trang không phù hợp bị gửi trả lại. Để giải phóng không gian, đón đồ khác về, họ bắt buộc phải đốt để tiêu hủy. Việc đốt đi ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, gây lãng phí nghiêm trọng nên chị đã tìm các đầu mối để xin hoặc mua lại.
Ngoài ra, chị còn tìm đến những cửa hàng thời trang tồn dư những chiếc quần jean có kích thước, màu sắc không phù hợp với người Việt nên bị ế để mua lại. Mang về nhà, chị lại xử lý ra màu, giặt thật sạch sẽ trước khi tiến hành tháo chỉ và cắt may.
Sản phẩm của chị làm đến đâu được đặt mua hết đến đó.
Từ vài khách hàng là người thân, bạn bè, chị Dương đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng lớn nhỏ của khách hàng trên khắp cả nước. Những sản phẩm chị làm ra được khách đặt mua hết ngay lập tức. Thậm chí, nhiều nơi muốn mua sỉ nhưng chị không đủ hàng để cung ứng. Ngoài ra, chị đã nhận được những đơn đặt hàng nhỏ bán sang Mỹ.
Với giá bán từ 260-540.000 đồng/sản phẩm, việc làm balo, túi xách tái chế quần jean cũ đã mang về cho chị Dương nguồn thu nhập tương đối ổn định.
Thậm chí nhiều người muốn lấy số lượng lớn nhưng chị Dương không may kịp.
Không tham lam độc bá thị trường cùng với mong muốn nhiều người biết và sử dụng sản phẩm tái chế, chị Dương đã mở lớp dạy cắt may cho những người có nhu cầu. Đến nay, đã có 3 lớp tốt nghiệp khóa thiết kế túi, ba lô jean tái chế của chị. Các học viên cũng đã có thu nhập rất khá từ các sản phẩm này.
“Việc tái chế jeans ở Việt Nam không hề mới, tôi nghĩ mình chỉ là một ngọn nến khiến bức tranh tái chế jeans được sáng rõ hơn thôi. Tôi cũng mong sẽ có nhiều người tìm đến lớp học của mình để tìm hiểu cũng như thực hiện sản phẩm tái chế jeans. Từ đó giúp tăng vòng đời của sản phẩm hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường…”, chị Dương nói.