Bài học bi đát từ 7-Eleven

Ngoài việc đóng cửa các cửa hàng 7-Eleven, Seven & i- nhà điều hành cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản, sẽ đóng cửa 5 cửa hàng bách hóa Sogo & Seibu và đang xem xét đóng cửa 33 cửa hàng bán đồ tổng hợp Ito-Yokado.

7-Eleven đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 thông qua hình thức nhượng quyền.

Tái cấu trúc hoạt động

Việc ồ ạt mở cửa hàng tiện lợi trong bối cảnh áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt, khiến hiệu quả kinh doanh của Seven & i ngày càng giảm sút. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích khi buộc các cửa hàng nhượng quyền phải hoạt động 24 giờ trong bối cảnh khủng hoảng lao động ở Nhật Bản.

Sau khi thu hẹp hệ thống, Seven & i cho biết sẽ thực thi một loạt chính sách mới đối với các cửa hàng nhượng quyền, bao gồm giảm mức phí hàng tháng. Chính sách ưu đãi mới này sẽ tiêu tốn của Seven & i khoảng 10 tỷ JPY (93 triệu USD).

Theo giới phân tích, dù việc đóng cửa hàng loạt các cửa hàng tiện lợi, sa thải hàng nghìn nhân viên của Seven & i sẽ khiến các nhà đầu tư choáng váng trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn có thể giúp thay đổi tình hình hiện tại của 7-Eleven, giúp công ty này cải thiện lợi nhuận.

Áp lực cạnh tranh lớn tại Việt Nam

7-Eleven đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 thông qua hình thức nhượng quyền. Đến nay, 7-Eleven đã có 32 cửa hàng nhượng quyền ở TP.HCM và dự kiến mở thêm nhiều cửa hàng mới, nâng lên tổng số 100 cửa hàng tiện lợi.

Áp lực cạnh tranh đối với 7-Eleven tại Việt Nam cũng không nhỏ khi đối mặt với ngày càng nhiều đối thủ nặng ký, như Vinmart+, Circle K, B's Mart, Ministop... Đặc biệt, Petrolimex dự định bổ sung nhiều mini-marts tại các trạm xăng trên toàn quốc và Vingroup cũng dự kiến sẽ bổ sung 4.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ vào năm 2020.

Đáng chú ý, thực đơn của 7-Eleven chủ yếu là các sản phẩm phổ thông như trà, cà phê hòa tan, mì gói, các loại nước giải khát, văn phòng phẩm, đồ gia dụng… phần lớn đều có xuất xứ Việt Nam. Việc địa phương hóa này khiến người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vốn háo hức chờ đợi hàng ngoại giá nội, đã dần thất vọng.

Một chuyên gia tư vấn chiến lược cho biết, chi phí thuê mặt bằng tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, như TP.HCM… rất lớn, nên nhà đầu tư phải chấp nhận mất 5- 6 năm mới hòa vốn, với điều kiện phải có từ hàng trăm cửa hàng trở nên. “Mở cửa hàng ồ ạt không có nghĩa là có lãi ngay mà các nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn. Trong tương lai gần, cạnh tranh trên kênh cửa hàng tiện lợi sẽ ngày càng lớn, nếu không chọn sự khác biệt, các cửa hàng tiện lợi sẽ rất khó thành công”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.


Nguồn: Báo DĐDN