Chàng trai Tày bén duyên với tre

Khởi nghiệp từ số không

Chia sẻ về cơ duyên chọn cây tre để khởi nghiệp, chàng thanh niên người dân tộc Tày Trẩu Thanh Phương cho biết: Ở Tuyên Quang tre được trồng rất nhiều. Người dân thường dùng tre để làm nhà, làm nông cụ lao động. Tuy nhiên, ngày nay khi có nhiều loại vật dụng thay thế, cây tre trở nên “thất sủng”.

Phương đã suy nghĩ rất nhiều cách để khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu này. “Trong một lần đi rừng, tôi quên không mang theo cốc uống nước. Cái khó ló cái khôn, tôi đã chặt mấy đốt tre ở bên cạnh, gọt qua để làm cốc uống nước. Và ý tưởng sản xuất đồ gia dụng từ tre bắt đầu từ đó” – Phương cho hay.

Năm 2013, Phương bắt tay vào làm các sản phẩm gia dụng bằng tre và lấy thương hiệu là tre Thượng Hà. Chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, Phương tâm sự: “Thời điểm đó, nhiều người nói ý tưởng của tôi là viển vông. Nhưng tôi luôn kiên định mục tiêu bởi tôi tin tưởng đây sẽ là sản phẩm của tương lai. Tôi bắt tay khởi nghiệp từ con số không, không vốn, không kiến thức, không kinh nghiệm…

Giám đốc HTX An Nhiên Phát Trẩu Thanh Phương và các sản phẩm làm bằng tre. Ảnh: Phương Nga

Ngay đến máy móc hỗ trợ sản xuất tôi cũng không tìm được. Để mài nhẵn sản phẩm, tôi đã liên tưởng đến chiếc bàn xoay của nghề gốm. Vậy là tôi đã tự mày mò chế tạo từ chiếc máy xay thịt cũ của gia đình làm dụng cụ chà bóng và tạo vân cho sản phẩm”.

Sản phẩm làm ra, Phương đem tặng người thân, bạn bè, mục đích là để xem phản hồi đánh giá của người dùng và đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm. Sau khi nhận được những phản hồi tích cực, Phương đã bắt tay vào sản xuất. Năm 2017 Phương quyết định thành lập HTX An Nhiên Phát, kêu gọi thêm sự đầu tư.

Chỉ sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường

Tưởng như thành công đã ở trước mắt, nhưng liên tiếp khó khăn ập đến. Thiếu vốn, cách thức tổ chức sản xuất chưa có quy trình, thiếu cả về nguồn nhân lực, các vấn đề về nguyên liệu, mà trong đó khó khăn nhất là làm sao để sản phẩm không bị nứt vỡ, mốc… là những vấn đề mà Phương cần giải quyết.

Qua tìm tòi, Phương biết được rất nhiều cách để xử lý, trong đó có cách dễ nhất là sử dụng hóa chất. Nhưng với Phương, đây là việc làm trái với lương tâm và đi ngược lại tôn chỉ hoạt động của HTX.

“Xử lý bằng hóa chất sẽ giải quyết 100% vấn đề tôi đang gặp phải, tuy nhiên lương tâm mình không cho phép. Mặt khác, mục đích ban đầu của tôi chính là tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là thế mạnh để sản phẩm tre Thượng Hà cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường” – Phương chia sẻ. Để giải quyết vấn đề đang gặp phải, Phương đã nhập máy cacbon hóa, hấp tre giúp giảm bớt lượng đường trong tre.

Phương pháp này giúp giảm tỷ lệ nứt, vỡ lên đến 70% và từ đó các sản phẩm tre Thượng Hà liên tục được đưa ra thị trường với chất lượng bảo đảm, an toàn, thân thiện với môi trường.

Sau hơn 2 năm thành lập, từ vài mặt hàng ban đầu, đến nay HTX An Nhiên Phát đã có đa dạng sản phẩm đồ nội thất (lát sàn, ốp trần, bàn, ghế…), đồ bếp gia dụng (cốc, chén, bát, thìa, dĩa…), hàng thủ công mỹ nghệ… Hiện nay, HTX trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường 20.000 sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 16 lao động.

Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng được 12 đại lý phân phối, giới thiệu sản phẩm ở 3 TP lớn gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Chia sẻ về dự định sắp tới, Phương bật mí, anh sẽ mở thêm một xưởng sản xuất và nhân rộng, phát triển thành làng nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ngoài bán trong nước, mục tiêu xa hơn là đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

Với ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, thiết thực của mình, năm 2018, anh Trẩu Thanh Phương đã nhận được Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc do T.Ư Đoàn trao tặng; giải Nhì ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn Tuyên Quang. Thương hiệu tre Thượng Hà đã lọt Top 100 thương hiệu nổi tiếng do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cấp.


Nguồn: Báo KTĐT