“Bỏ phố... về quê”
Bỏ phố về quê, nhưng không phải để “nuôi cá và trồng thêm rau”, cũng không phải bởi mệt mỏi “giữa thành phố sống chồng lên nhau”. “Về quê để bắt đầu một sự lựa chọn” - câu chuyện của chúng tôi mở đầu bằng khẳng định của người trong cuộc.
Sinh ra ở vùng trồng cói nổi tiếng Nga Sơn, Trần Doãn Hùng, làng Trung Điền, xã Nga Trường cũng như bao bạn trẻ cùng trang lứa, sớm đã quen với sự nhọc nhằn mưu sinh trên đồng cói, nghề cói. Bởi vậy, học tập vẫn là lựa chọn được ưu tiên để có thể rời quê ra phố. Thế nhưng, sau những năm tháng đèn sách trên giảng đường, bản tính ưa “xê dịch”, chàng trai trẻ xứ Thanh lại làm công việc không liên quan tới nghề điện mà mình được học. Sau những chuyến đi dài, Nha Trang là điểm dừng chân để anh bắt đầu những trải nghiệm của cuộc đời mình.
“Những chuyến xê dịch đưa mình đến những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng cả nước, gặp những con người vô cùng khéo léo, tỉ mẩn khiến mình khâm phục. Và như một cơ duyên, khi đang làm việc tại Vinpearl (Nha Trang), trong một lần tình cờ ngồi cùng với hai bạn trẻ là khách du lịch nước ngoài, tôi thấy họ thích thú khoe chiếc túi xách đeo bên hông được làm từ cói. Tôi chợt nhớ về quê nhà, về những cánh đồng cói thơm mùi nắng. Và ý tưởng chợt lóe lên cứ đan xen, vấn vít, không thể nào dứt ra”, Hùng kể lại.
Không mất nhiều thời gian cho việc tính toán thiệt hơn, sau khi quyết định xin nghỉ việc ở Vinpearl, Hùng bắt đầu hành trình tìm đến những làng nghề đan lát túi thủ công để học. “Tuy vậy, không như kỳ vọng, khi đến các làng nghề ngỏ ý muốn được học nghề một cách bài bản mình lại chỉ nhận về thái độ lảng tránh, từ chối. Cho đến một ngày, sau rất nhiều lần thuyết phục, tôi được chủ một cơ sở làm túi thủ công ở Huế chấp nhận dạy nghề. Và tôi nhớ đến câu chuyện sự tích cỏ may, hành trình đi tìm chồng của người vợ trẻ giữa biển người mênh mông, nàng chỉ nhận được những lắc đầu buồn bã, cho đến khi kiệt sức nằm xuống bên đường, thượng đế thương tình nên đã hóa phép biến nàng thành loài cỏ có hoa màu tím. Đó cũng là lý do sau này khi đã thành nghề rồi khởi nghiệp, tôi quyết định lấy tên Cỏ may đặt cho thương hiệu”.
Sau một thời gian cố gắng học nghề, năm 2018 Trần Doãn Hùng quyết định trở về quê hương khởi nghiệp với thương hiệu Comay craft trong sự lo lắng, can ngăn của gia đình, người thân. Bởi làm giàu từ nghề thủ công nào phải chuyện dễ.
Gửi gắm sự tử tế trong từng sản phẩm
Khởi nghiệp, ngoài chút “vốn liếng” nghề được học và quyết tâm, với Trần Doãn Hùng mọi thứ đều phải bắt đầu từ số không. Không vốn, không kinh nghiệm, không đối tác...
Quyết định tạo sự khác biệt, ông chủ Comay craft tự mình làm mọi việc: từ thiết kế mẫu mã, tìm nguyên liệu, phối màu, sản xuất... với tiêu chí sử dụng tối đa nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, cói với đặc tính hút ẩm, dễ gây nấm mốc sẽ không thể là nguyên liệu chủ đạo. Vì vậy, cùng với cói, cỏ bàng, sợi buông, tre, gỗ, mây... lần lượt được chàng trai Nga Sơn đưa vào thử nghiệm để tối ưu hóa chất lượng sản phẩm của mình. Đương nhiên, mọi sự thử nghiệm đều mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Chàng trai xứ Thanh Trần Doãn Hùng tin rằng sự tử tế trong những sản phẩm thủ công mang thương hiệu Comay craft sẽ chinh phục khách hàng. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)
Ngay từ đầu, Trần Doãn Hùng đã tự mình đặt ra yêu cầu cho sản phẩm: đơn giản nhưng phải tinh tế, độc đáo; đa dạng công năng sử dụng, phù hợp trong nhiều hoàn cảnh; có sức bền theo thời gian... đặc biệt thân thiện môi trường. Để làm được điều đó, các sản phẩm túi thủ công Comay craft được phối nhiều chất liệu (mây, tre, sợi cói, cỏ bàng, sợi buông, vải, kết hợp với da nhập khẩu...). “Nhiều người hỏi tôi làm kỹ quá để làm gì, vừa khó, vừa vất vả, liệu giá bán có xứng đáng công sức bỏ ra. Nhưng làm kỹ trước hết để thỏa mãn cái tính cẩn thận, cầu kỳ của mình. Sau đó là trách nhiệm của một người Việt mong muốn sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi đưa ra thế giới phải thật sự tỉ mỉ, tử tế. Mình có vui, hài lòng với sản phẩm thủ công thì mới hy vọng sản phẩm ấy được người tiêu dùng chấp nhận”, ông chủ “Comay craft” chia sẻ.
Ngoài cửa hàng trưng bày sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh, các sản phẩm Comay craft chủ yếu được bán trên các trang thương mại điện tử lớn của thế giới (Amazon). Và thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay chủ yếu là Mỹ và một số nước châu Âu, với giá bán trung bình từ 1 - 3,5 triệu/sản phẩm. Đã có khoảng 4.000 sản phẩm của thương hiệu Comay craft đến với người tiêu dùng trên thế giới. “Nếu so về quy mô, tiếng tăm thì thương hiệu Comay craft vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng tôi tin sự tử tế gửi gắm trong mỗi sản phẩm sẽ chinh phục khách hàng của Cỏ may”, Trần Doãn Hùng trải lòng. Hiện tại Comay craft đang tạo việc làm trực tiếp cho 5 lao động ngay tại xưởng với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời còn có hàng chục lao động làm việc tại nhà.
Sau 3 năm khởi nghiệp, thương hiệu túi thủ công mỹ nghệ “Comay craft” đã trình làng thị trường tiêu dùng 3 bộ sưu tập (hơn 20 mẫu mã khác nhau), trong đó, bộ sưu tập mới nhất được gọi tên: “Sóng”. Chia sẻ cảm hứng đặt tên cho bộ sưu tập mới, Trần Doãn Hùng cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn thách thức với không chỉ Công ty TNHH Cỏ may Đức Hùng. Tuy nhiên, như những cơn sóng ngoài biển khơi, lúc dữ dội ồn ào, khi trầm ngâm lặng lẽ. Nếu đủ bản lĩnh, con người có thể vượt lên, chinh phục những cơn sóng, tự tin vươn mình ra biển lớn. Comay craft sẽ không đi nhanh, phát triển ồ ạt, thay vào đó là sự chậm rãi, chỉn chu và chắc chắn”.