Chuyện tử tế: Tỉ phú nông dân mê làm từ thiện

Ông Nghĩ (phải) cùng các thành viên đội từ thiện - Ảnh: B.Hỷ

Năm 2007, ông Nghĩ cưới vợ rồi từ An Giang về ấp T4, xã Vĩnh Phú lập nghiệp. Thời điểm này, giá đất chỉ 6 triệu đồng/công (1.000 m2), ông mua 6 ha để trồng lúa. Nhờ chịu khó, chỉ sau 3 năm ông đã có lợi nhuận kha khá rồi mua thêm 10 ha. Năm 2011, thấy nếp có giá cao, ông chuyển sang trồng nếp 3 vụ/năm.

Ông Nghĩ nói: “Tôi đi tắt đón đầu, trồng nếp thay lúa, ngược lại với nông dân ở đây. Từ quyết định này đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Với 16 ha thu về gần 1 tỉ đồng, trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng”… Đến năm 2012, ông mua thêm 20 ha, nâng tổng diện tích đất gia đình lên 36 ha; tính sơ từ trồng nếp, ông bán được trên 3 tỉ đồng, lợi nhuận gần 1,4 tỉ đồng/năm.

Không chỉ lo cho kinh tế gia đình, ông Nghĩ lúc nào cũng trăn trở về những hộ nghèo sống trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo. Vì vậy, năm 2008 ông đứng ra thành lập “Đội từ thiện ấp T4” cất nhà miễn phí. Đội của ông khi đó gồm 5 thợ mộc. Sau mỗi vụ lúa, đội đi khắp nơi tìm mua cây bạch đàn cất nhà từ thiện. Ông Nghĩ kể: “Hễ ấp nào thông báo có nhà cần cất là chúng tôi đến xem, sau đó kêu gọi các nhà hảo tâm quen biết ở An Giang hỗ trợ ít tiền để mua bạch đàn cất nhà”. Từ năm 2008 - 2013, Đội từ thiện ấp T4 cất được 10 căn nhà cho người nghèo, trung bình mỗi căn 15 triệu đồng.

Cuối năm 2013, Mặt trận Tổ quốc VN xã Vĩnh Phú vận động thành lập “Câu lạc bộ xây dựng cầu lộ giao thông nông thôn ấp T4” và mời ông Nghĩ làm trưởng câu lạc bộ. Ông Nghĩ cùng các thành viên lại đi khảo sát xem nơi nào cần xây cầu. Ban đầu chỉ là những cây cầu bằng ván, sau do nhu cầu đi lại bằng xe máy, ô tô tăng cao nên nhóm của ông Nghĩ chuyển sang xây dựng cầu sắt.

Từ chỗ chỉ có 5 thợ mộc, đến nay nhóm của ông Nghĩ có 17 thành viên (gồm thợ mộc, thợ hàn sắt và thợ hồ). Để làm được cầu sắt, nhóm của ông Nghĩ đi tham quan, học tập nhiều nơi. Khi về địa phương, nhóm thiết kế cầu sắt trình cấp thẩm quyền xem qua; đồng thời dự trù số tiền xây cất cầu, sau đó lên danh sách vận động nhân dân trên địa bàn. Bình quân mỗi cây cầu sắt dành cho xe 2 bánh có kinh phí từ 50 - 60 triệu đồng (không tính tiền công); cầu xe 4 bánh đi được khoảng 170 triệu đồng.

Những cây cầu treo, cầu vỉ sắt do nhóm của ông Nghĩ xây dựng len lỏi vào nhiều ngõ ngách không chỉ của huyện biên giới Giang Thành mà còn lan sang các huyện Hòn Đất, Kiên Lương. Từ năm 2013 - 2018, câu lạc bộ đã xây dựng khoảng 200 cây cầu, trong đó có 56 cây cầu sắt và tính riêng cầu sắt đã có trị giá trên 7 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Út (48 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Hòa, H.Giang Thành) cho biết: “Việc làm của ông Nghĩ rất được bà con mang ơn. Tôi được biết có những cây cầu làm xong không đủ tiền trả vật tư, ông Nghĩ tự bỏ tiền túi thêm vào”.

Ông Danh Rết, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN xã Vĩnh Phú, cho biết: “Ông Nghĩ làm ăn rất giỏi, hằng năm thu lợi nhuận cả tỉ đồng. Nhưng điều quý nhất ở ông là tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm chăm lo cho người nghèo”.


Nguồn: Báo Thanh Niên