Cơ chế Sandbox và câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam

Các thế hệ Millennials và Z đang là những người đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, đồng thời là những người sáng lập các công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ truyền thống tới những mô hình kinh doanh mới. Với tinh thần không ngừng học hỏi và khao khát tạo ra giá trị cho cuộc sống, giới trẻ hiện nay luôn tìm tòi để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới theo xu hướng công nghệ 4.0. Đây được xem như một khởi đầu quan trọng cho hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ phát triển trong tương lai.

Để sớm thực hiện hóa mục tiêu đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần sự hỗ trợ và đồng hành của chính phủ. Thực tế, chính phủ đã và đang tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho các start-up trẻ phát triển, đầu tiên là việc thông qua Đề án 999 vào tháng 8 vừa qua, ủng hộ mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Chính sự ủng hộ này của chỉnh phủ đã tác động tích cực tới tư duy của thế hệ trẻ, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của những nhà sáng lập trẻ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo và công nghệ tài chính (fintech), bởi khung pháp lý tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho mô hình kinh doanh mới này. Hiện nay, có rất nhiều start-up sáng tạo do các bạn trẻ Việt Nam sáng lập buộc phải đăng ký giấy phép kinh doanh ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nhất là Singapore, để tránh những rắc rối của khung pháp lý hiện thời.

Cơ chế Sandbox - Hướng đi đúng thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ, trao đổi và đưa ra nhiều đề xuất kì vọng Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ. Tại đây, ông Nguyễn Thế Tân, CEO của Công ty VCCorp, đề xuất: “Cơ chế Sandbox cần được thực hiện sớm bởi cơ chế này rộng về phạm vi, rộng về đối tượng tham gia, giới hạn quy mô ảnh hưởng”. Đồng thời, qua buổi tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cũng đưa ra các khuyến nghị về việc xây dựng một cơ chế Sandbox phù hợp với Việt Nam.

Thuật ngữ Sandbox không còn quá mới mẻ trong lĩnh vực kinh tế hiện nay và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các doanh nghiệp sáng tạo có thể sử dụng cơ chế Sandbox để thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, khi chính phủ chưa có những quy định chính thức về mô hình kinh doanh mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh công bằng để dẫn dắt trong lĩnh vực kinh doanh nghiệp vụ của mình. Đồng thời, việc thử nghiệm cơ chế Sandbox còn giúp chính phủ tìm hiểu xem nên xây dựng thêm những quy định gì, và áp dụng với đối tượng nào cho phù hợp với thực tiễn và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán điện tử, một trong những lĩnh vực hoạt động của fintech lại cần có khung pháp lý cho cơ chế sandbox để tạo động lực phát triển và đóng góp vào nền kinh tế xã hội Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chủ tịch kiêm CEO Công ty Got It Trần Việt Hùng cũng nhận định: “Nếu cơ chế Sandbox được thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam”.

Vì vậy, việc thiết lập một cơ chế Sandbox phù hợp với Việt Nam là điều cần thiết để góp phần ủng hộ những start-up sáng tạo tương tự như Grab, và tạo nên động lực cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.


Nguồn: Báo Tiền Phong