Cơ hội nào cho giới trẻ khởi nghiệp thời cách mạng 4.0

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, cách mạng 4.0 đã đem đến rất nhiều cơ hội, thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp của các công ty hiện nay. Theo nhận định của các chuyên gia, cách mạnh 4.0 đã tạo nên những thay đổi vô cùng mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh, thương mại. Ví dụ như trước đây, mọi quá trình mua bán đều diễn ra trực tiếp tại cửa hàng thì nay, cùng với sự tiến bộ của công nghệ số hóa, hoạt động mua bán online đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ hội thuận lợi để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ,… phát triển.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Ví điện tử MOMO cho biết, hiện MOMO có khoảng 7 triệu khách hàng, trong đó có 4 triệu khách hàng trên ví điện tử. Theo ông Diệp, thông qua sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ gắn liền với Internet, doanh nghiệp đã có khả năng mang dịch vụ tài chính mới (tài chính điện tử) đến với người dân Việt Nam. Từ đó, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ đơn giản từ thanh toán thông thường cho tới thanh toán cho vay tài chính, thanh toán mua sắm thương mại điện tử,…

Cách mạng 4.0 là cơ hội cho giới trẻ khởi nghiệp

Thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp làm chủ chứ không đi tìm việc, làm thuê ăn lương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định định thì các bạn trẻ Việt Nam còn có khá nhiều điểm yếu. Với những bạn đi du học trở về, dù mặt bằng kiến thức về nền tảng kỹ năng rất tốt nhưng khi về Việt Nam, bộ phận các bạn trẻ này bộc lộ điểm yếu khi không hiểu thị trường Việt Nam và đôi khi đứng ở vị trí hơi cao so với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo ra sự chênh lệch về mặt cung – cầu. Đối với các bạn trẻ học tập trong nước lại không có được tính kỷ luật và tinh thần làm việc có quy trình.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub, các bạn trẻ cần phải định vị được bản thân trong thế giới này cũng như đặt mọi ý tưởng khởi nghiệp vào sự chuyển động toàn cầu hóa bằng phương pháp “Learn to Learn” (học cách tự học) và “Life for Learning” (học cả đời) để kết nối với những người có chuyên môn cao. Đây là những hành trang thiết thực, hữu ích để SV chuẩn bị hiệu quả cho nghề nghiệp và sự nghiệp trong nền kinh tế hội nhập đầy sôi động”. Các bạn trẻ không nên đi trên mây khi nghĩ ra ý tưởng, mà hãy đi từng bước nhỏ rồi hãy tính đến làm chủ.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Công ty Văn hóa Sài Gòn (Saigon Books) cũng cho rằng, phần lớn người khởi nghiệp thành công đều sau 35 tuổi. Thống kê cho thấy cứ 10 người khởi nghiệp thì có tám người thất bại. Cá nhân ông đã từng khởi nghiệp với bảy dự án thì có bốn cái “chết”, ba cái “thoi thóp” và một cái “sống” được. Vì vậy, ông Quỳnh cho rằng, các bạn trẻ hãy bắt đầu từ công việc làm thuê, tích lũy vốn và kinh nghiệm rồi mới khởi nghiệp.


Nguồn: Báo DĐDN