Các chuyên gia cho rằng giá vàng SJC có thể còn dư địa giảm tiếp, người dân nên chọn thời điểm giao dịch hợp lý, tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội).
Với biện pháp bình ổn từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng giảm liên tục 9 phiên gần đây. Kim loại quý đã sụt hơn 13 triệu đồng mỗi lượng, riêng trong bốn ngày từ khi các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán trực tiếp đến người dân, giá vàng miếng giảm một triệu đồng sau mỗi đêm. Kim loại quý mang thương hiệu SJC đang về sát 76,98 triệu đồng ở chiều bán ra trong phiên hôm nay.
Trước diễn biến trên, nhiều người vẫn đổ xô đến các điểm bán của Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và cửa hàng SJC để mua vàng. Cảnh xếp hàng giờ đồng hồ chờ tới lượt giao dịch xuất hiện phổ biến. Nhiều nơi phải cho khách lấy số vào buổi sáng, đến chiều quay lại nhận vàng sau.
Anh Thực (quận 1, TP HCM) đứng chờ hơn 30 phút vào chiều 5/6 tại BIDV chi nhánh Nguyễn Công Trứ vẫn chưa tới lượt vào bóc số thứ tự. Anh nói buổi sáng thấy mọi người thi nhau xếp hàng mua vàng nên "cũng thấy nôn nao". Về nhà, anh và vợ lấy tiền để dành rồi chạy ra điểm bán. "Mua được vàng tôi mới thấy yên tâm", anh Thực trả lời khi được hỏi mua vàng vì mục đích gì.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn An Huy - chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc Công ty FIDT, cho rằng hiện tượng người dân kéo nhau đi mua vàng miếng do đang thiếu kênh đầu tư tích sản. Hiện tại thị trường bất động sản đang gặp khó, trái phiếu vẫn trong cuộc khủng hoảng niềm tin, còn thị trường chứng khoán theo hướng đầu tư an toàn dài hạn chưa thực sự được phổ cập đến đông đảo người dân.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu từ nhóm chuyên gia đăng trên Journal of Finance và Financial Analysts Journal - hai tạp chí hàng đầu thế giới về tài chính - trong ngắn hạn nhà đầu tư có khuynh hướng "cờ bạc" (gambling) và thường bị hấp dẫn và sẵn sàng trả giá cao hơn giá trị thực đối với các tài sản có biến động cao. Các cổ phiếu đầu cơ hay vàng miếng hiện tại là một ví dụ. Việc này làm cho tỷ suất sinh lời về dài hạn của các tài sản có tính biến động cao thường thấp hơn các tài sản có biến động thấp, vì về dài hạn thị giá sẽ trở lại giá trị thực.
"Người dân sẽ bị thiệt hại lớn khi mua hoặc bán vàng trong trạng thái FOMO (chứng sợ bỏ lỡ cơ hội) và sự kích thích cờ bạc này", chuyên gia nhấn mạnh.
Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày đầu bán giá bình ổn, Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng cũng cho rằng thời điểm này, người dân nên cân nhắc, lựa chọn thời điểm mua và bán hợp lý để tránh thiệt thòi. "Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời nhằm ổn định thị trường vàng. Vì vậy, người dân nên cân nhắc khi mua", bà Hằng khuyến nghị.
Theo lãnh đạo một trong năm đơn vị thực hiện bình ổn đợt này, quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là kéo giá vàng về sát thế giới, nên dư địa giảm của vàng trong nước vẫn còn.
"Nếu có tiền nhàn rỗi lúc này và muốn đầu tư, người dân cần cân nhắc kỹ, có thể đợi thêm vài phiên nữa khi xu hướng giá của vàng SJC đã ổn định", người này đưa ra lời khuyên.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng giá bán vàng của các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC có thể còn giảm trong thời gian tới. "Người dân cần thận trọng khi mua trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay", ông khuyến cáo.
Trong đợt bình ổn thị trường lần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính giá vàng theo công thức giá thế giới nhân với tỷ giá tại Vietcombank, cộng các loại thuế phí và thông báo cho các đơn vị. Mỗi doanh nghiệp sẽ tự tính giá bán ra, sao cho không vượt quá 1 triệu đồng so với giá mua từ Ngân hàng Nhà nước. Do đó, diễn biến giá vàng thế giới cũng được nhiều người quan tâm.
Thời gian qua, kim loại quý quốc tế liên tục trồi sụt theo những dữ liệu kinh tế vĩ mô. Jim Wyckoff - nhà phân tích cấp cao tại Kitco, dự báo giá vàng vài tuần tới có thể đi ngang, trừ phi có sự kiện địa chính trị bất ngờ, khiến nhu cầu trú ẩn tăng vọt. Tuy nhiên về dài hạn, thị trường vẫn lạc quan rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Đây là trợ lực lớn nhất cho giá kim loại quý.
Chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn 9999 đang được thu hẹp cũng khiến nhiều người phân vân về việc nên mua loại nào. Theo ông Nguyễn An Huy, mức chênh giữa hai loại đang khá hợp lý. Nếu mua vàng cho mục tiêu dài hạn, người dân có thể chọn lựa cả SJC và vàng nhẫn trơn khi chênh lệch không đáng kể như dưới 3 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, nếu chênh lệch những ngày sắp tới lại tăng lên trên 4 triệu, người dân chỉ nên mua vàng nhẫn trơn.
Lãnh đạo một công ty vàng có trụ sở tại TP HCM cũng đồng ý mức chênh lệch giữa hai loại đang được kéo về mức có thể chấp nhận. Tuy nhiên, ông cho rằng vàng SJC vẫn tồn đọng hai rủi ro lớn: lịch sử biến động giá mạnh và kịch bản bỏ độc quyền vàng miếng. Do đó, người dân cần cân nhắc kỹ trước khi mua vào hoặc có thể chọn giải ngân một phần cho vàng miếng, một phần cho vàng nhẫn trơn để giảm rủi ro.
Thực tế theo ghi nhận những ngày qua, một bộ phận khách hàng vẫn chuộng mua vàng nhẫn trơn. Chị Vân tự nhận là người theo dõi thị trường lâu năm, nói giá vàng miếng SJC khó đoán hơn hẳn vàng nhẫn. "Chỉ khác nhau ở cái bao ni-lông bọc bên ngoài" nên chị thường khuyên người thân, bạn bè xung quanh mua vàng nhẫn để giữ tiền. "Không có kinh nghiệm mà đòi đầu tư vàng miếng là lỗ như chơi", chị này nói.
Không chỉ cân nhắc mua vào, một số người nắm giữ vàng cũng nghĩ đến bài toán bán ra để tránh thiệt hại hơn khi đà giảm vẫn chưa dừng lại. Ông Huy tư vấn quyết định bán vàng nên phụ thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân. Nếu thực sự cần có tiền để chi tiêu, bán vàng là cần thiết. Nếu không, mỗi người vẫn nên duy trì một tỷ trọng 5-10% vàng trong danh mục đầu tư với vai trò phòng ngừa cho các rủi ro địa chính trị.
"Vàng là loại tài sản rất khó có thể dự đoán được giá trong ngắn hạn vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của người dân như lãi suất, biến động địa chính trị, động thái của các ngân hàng trung ương. Chúng ta không nên mua hay bán vàng chỉ dựa vào các dự báo ngắn hạn không có căn cứ", ông lưu ý.
Nguồn: vnexpress