Với lợi thế thu nhập ổn định, dân công sở được nhiều chuyên gia khuyến khích đầu tư theo phương pháp tích sản, giảm thiểu rủi ro về vốn và thị trường.
Anh Trần Quốc Đạt, một nhân viên văn phòng làm thiết kế nội thất tại TP HCM tự nhận không có nhiều kiến thức tài chính nhưng bị hấp dẫn bởi cơn sốt thị trường chứng khoán năm 2021. Khi đó, anh mạnh dạn rót tiền vào cổ phiếu theo sự chỉ dẫn của bạn bè, người thân.
"Mình thấy các anh trong công ty mua mã nào thì mua theo mã đó. Lúc mình gia nhập thị trường thì chứng khoán gần chạm đỉnh nên không được bao lâu thì danh mục đầu tư bắt đầu bị âm tiền", Đạt nói.
Tài khoản giảm nhiều nên nhân viên văn phòng này cũng không thể chuyên tâm làm việc. Sau mấy lần bị chậm tiến độ dự án, Đạt bị sa thải. Còn tài khoản chứng khoán vẫn âm chưa thể hồi lại.
Đạt không phải là một nhà đầu tư cá biệt trên thị trường. Theo nhiều chuyên gia, hơn 90% nhà đầu tư cá nhân như Đạt thua lỗ khi đầu tư chứng khoán, bao gồm cả những nhà đầu tư đã có nhiều năm kinh nghiệm. Trong môi trường thông tin hỗn tạp như hiện nay, nhà đầu tư cá nhân rất khó chắt lọc các thông tin giá trị và tuân thủ kỷ luật, từ đó dễ FOMO hoặc đưa ra các quyết định sai lầm.
Ngoài ra, theo dõi bảng điện và giao dịch trong giờ làm việc cũng dẫn đến tình trạng sao nhãng, không tập trung khiến hiệu quả công việc bị ảnh hưởng. Do đó, nhân viên văn phòng, đặc biệt là các bạn trẻ nên ưu tiên tập trung làm tốt các công việc chuyên môn, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng của bản thân để từ đó phát triển sự nghiệp và nâng cao thu nhập.
Đầu tư quỹ chuyên nghiệp - lựa chọn phù hợp cho dân văn phòng
Ngoài nguồn thu nhập chủ động từ lương ổn định hàng tháng, nhân viên văn phòng muốn tăng thu nhập nên phân bổ tài sản qua các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng chỉ quỹ. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Singapore, đại đa số người dân đều đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Chia sẻ trên VnExpress, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư tại FIDT cho rằng, với những ai không có thời gian và kinh nghiệm đầu tư thì lựa chọn mua chứng chỉ quỹ là một hình thức tích sản hiệu quả và an toàn.
Bằng cách đầu tư vào chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư đã trực tiếp nắm giữ danh mục 10-20 mã cổ phiếu đầu ngành được chuyên gia quỹ chọn lọc kỹ lưỡng. Mọi hoạt động đầu tư đã có chuyên gia quỹ thực hiện và điều chỉnh chiến lược theo diễn biến thị trường, từ đó, nhà đầu tư có thời gian chuyên tâm vào công việc chuyên môn và phát triển sự nghiệp.
Theo thống kê của Fmarket - nền tảng tập trung quỹ mở hàng đầu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến ngày 12/10, hiệu suất đầu tư của nhiều quỹ mở duy trì từ 25 đến trên 30%. Các quỹ có lợi nhuận nổi bật bao gồm: VINACAPITAL-VESAF: 35,7%; VCBF-MGF: 32,3%; SSI-SCA: 31,9%; DCDS: 28,7%...
Trước khi ra quyết định phân bổ dòng tiền, nhà đầu tư có thể so sánh hiệu suất hoạt động những quỹ mở hàng đầu bằng cách tham khảo trên nền tảng Fmarket, hoặc website của các công ty quản lý quỹ. Dưới đây là bảng kết quả đầu tư của một nhân viên văn phòng thu nhập 10 triệu đồng, mỗi năm lương tăng thêm 7%, chọn cách tích sản bằng chứng chỉ quỹ VCBF-BCF tăng trưởng trung bình 12,3% mỗi năm, tính từ thời điểm thành lập quỹ năm 2014 đến 28/9/2023.
Trong ngắn hạn, lợi nhuận chứng chỉ quỹ có thể chưa thật sự hấp dẫn, nhưng khi đầu tư dài hạn việc sở hữu một danh mục đầu tư tốt sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững. Số liệu quá khứ cho thấy, trong khoảng thời gian dài (từ 5-10 năm), mức sinh lời của các quỹ cổ phiếu đều duy trì lợi nhuận hấp dẫn từ 12-16% một năm. Đây là lý do hình thức tích sản này được ưa chuộng tại các quốc gia phát triển và liên tục tăng trưởng hai con số tại Việt Nam.
Nguồn: vnexpress