Để có mùa quả ngọt: Dùng đúng phân, đúng liều lượng, đúng thời điểm

Trao đổi với những người tâm huyết với cây ăn trái ở Bắc Giang với chủ đề “Làm thế nào để có mùa quả ngọt tự nhiên, an toàn?”, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Cần có vốn kiến thức nhất định để canh tác; không bón phân vô cơ như “vãi” vào cây; tăng cường phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất. Đất sạch, cây khỏe, quả tự nhiên ngọt”.

Loading

Khách du lịch thăm vườn mít hộ ông Anh.

“Học phí” cho mùa quả ngọt

Ông Hoàng Văn Anh ở thôn Tân Ninh (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng) cho biết, ông có 0,5ha cây ăn quả gồm bưởi Diễn xen ổi, mít, nhãn và khu trồng rau sạch. Ngay từ khi thành lập nông trại cách đây 13 năm, ông đã canh tác hữu cơ, do đất ở đây không tốt, dưới đáy ngập úng, trên mặt đầy đá sỏi

Để cải tạo đất, ông dùng phân bò ủ hoai, cộng với tro rơm, rạ; nghiền đỗ tương, ngâm với phân lân Lâm Thao tưới cho cây. Từ năm 2017 đến nay, dùng thêm phân bón Việt-Nhật (Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hữu Hảo), đơn vị liên kết với Hội Cây có múi Bắc Giang. Ông rút ra công thức bón phân cho cây ăn quả sau 13 năm kinh nghiệm: thời kỳ kiến thiết, chủ yếu bón kali, lân, phối trộn với phân chuồng. Khi cây ra quả và cho thu hoạch, bón đỗ tương ngâm với tro rơm, rạ.

Tiếp cận nguồn phân bón hữu cơ vi sinh Việt-Nhật, tìm hiểu nguyên liệu chủ yếu làm từ gà và cá, ông Anh nhận thấy, phân hữu cơ vi sinh của Việt Nam sản xuất từ phân chuồng cộng với phụ phẩm nông nghiệp có nhiều ở mọi vùng quê, ủ hoai mục, không thua kém phân hữu cơ Nhật Bản, thậm chí, còn có nhiều ưu điểm vượt trội. Đặc biệt, nguồn phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ ở Việt Nam có rất nhiều và rất rẻ, thậm chí không mất tiền mua.

Ông Anh cho biết, buổi đầu khởi nghiệp, gian nan nhất là phải đi học hỏi kinh nghiệm thực tế. Ngoài tự nghiên cứu, ông còn xuống Hưng Yên làm không công cho chủ nhà 2 năm để học cách quản lý trang trại, chăm sóc cây trồng. Tổng thời gian tự học và đi thực tế gần 5 năm, đúng bằng 1 sinh viên đại học trên giảng đường.

Khi công việc vào guồng, tạm ổn, ông được Chủ tịch UBND xã Tư Mại tư vấn gia nhập Hội Làm vườn (HLV), để giúp bà con cùng phát triển. Vậy là, ông đã tham gia HLV xã Tư Mại, 2 khóa liền, với chức danh Phó chủ tịch Hội.

Hiện, nông trại của ông Anh cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, chủ yếu do 2 vợ chồng canh tác. Đến vụ thu hoạch, không phải đi chợ, vì cây bắt đầu ra trái, khách đã đặt hàng, cung chưa đủ cầu. Quả cong, vẹo, gia đình để lại ăn không hết, tiếc hàng sạch, đem ra chợ bán, không ngờ bà con cũng tranh nhau mua. Trong nông trại, không có thứ gì bỏ đi, phụ phẩm nông nghiệp và cỏ cũng được dùng để ủ phân.

“Chỉ cần thay đổi lối canh tác, có kiến thức khoa học cơ bản; không bón quá nhiều phân vô cơ vào cây và đất; bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất. Hàng năm, ủ phân chuồng với lá cây, tro rơm rạ, trấu, cộng với 5- 7kg vôi, 50kg phân lân Ninh Bình, 100kg lân Lâm Thao/tấn phân. Liên tục như vậy, sau nhiều năm, đất sạch, cây khỏe, quả tự nhiên ngọt. Đây cũng chính là công thức tôi đã áp dụng dụng suốt 13 năm qua”, ông Anh bật bí.

Giá đắt của mùa quả “đắng”

Theo ông Anh, người dân phải trả giá đắt cho mùa quả “đắng”, chính là bón phân vô cơ quá nhiều, khiến cây bị “sốc”, chưa nắm được các nguyên tố vi lượng trong đất. Quá lạm dụng phân hóa học, cứ nghĩ, bón nhiều để cây xanh tốt, lâu dần thành thói quen, bón quá liều lượng, khiến cây không chịu nổi và đất quá tải. Kết quả là mưa xuống, nắng lên, cây chết yểu; sản phẩm làm ra kém chất lượng, không bảo quản được lâu, do hàm lượng hóa chất quá nhiều.

Đặc biệt, đáng lo ngại là, những người canh tác theo phương pháp này vẫn nằm ở số đông. Đơn cử như ông Nguyễn Huy Điệp, cùng thôn với ông Anh, trồng 1,5ha dưa hấu. Do sử dụng quá nhiều đạm canxi, vì nghe 2 chữ “canxi”, cứ nghĩ như vậy là tốt cho cây, nên ra sức bón, dẫn đến dưa chết héo. Ông Anh sang xem và cho biết, ông mua 2kg đạm canxi, nhưng 2 năm qua, chưa dùng hết 1kg. Tính ra, ông Điệp đã dùng 20 - 25 kg đạm can xi/sào, cao gấp hàng nghìn lần cho phép.

Tương tự như ông Điệp, ông Lưu Xuân Đạt cũng có 1ha dưa hấu, nhưng lại dùng quá nhiều chất kích thích, với suy nghĩ, cây tốt, quả sẽ to; không ngờ, càng bón cây càng héo. Nắng lên, dưa chết, ông Đạt sang hỏi ông Anh, tại sao cứ nắng lên là dưa chết và chỉ cây trên ruộng chết, cây dưới bờ vẫn xanh tốt? Ông Anh sang xem dưa và tư vấn, do dùng quá nhiều chất kích thích, dẫn đến giãn diệp lục ở lá, gặp nắng to, không đủ sức chống chịu nên chết yểu. Còn cây dưới bờ không chết, vì không phải hấp thụ chất kích thích quá liều.

Cũng theo ông Anh thì công thức bón đạm canxi cho cây rất đơn giản: chỉ cần bón 1 lần duy nhất, vào lúc chuẩn bị ra “lá thật”, lúc này cây còn nhỏ, cần mồi cho cây khỏe. Cách bón: Hòa tan khoảng 20g đạm canxi/10 lít nước/sào dưa. Những kiến thức này ông có được, do mua sách về đọc và học hỏi kinh nghiệm trong quá trình làm ở Hưng Yên.

Sử dụng đúng phân, đúng liều lượng, đúng thời điểm, quyết định sự thành, bại của sản phẩm, cũng chính là thành công hay thất bại của người sản xuất. Nếu phối trộn đủ lượng phân hữu cơ trong đất, rễ cây ra đến đâu, có thức ăn đến đấy; ngược lại, lượng hữu cơ trong đất dồi dào, sẽ giúp giữ ẩm tốt, chống rửa trôi, cây khỏe. Điều này không khó, cơ bản là bà con có chịu học hỏi hay không?

Cây tốt, đất tơi xốp, quả ngọt, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, lại tiết kiệm được tiền mua phân bón. Đây cũng là công thức ông Anh áp dụng 13 năm qua, ngay tại địa phương.

HLV vào cuộc giải quyết “lỗ hổng” phân bón

Cán bộ HLV, Công ty Việt Nhật thăm mô hình của hộ ông Anh.

Là cán bộ HLV, khi hội viên cần, ông Anh đều giúp đỡ tận tình. Ông Lưu Xuân Thế, đấu thầu 1 mẫu đất lúa, cùng khu với ông Anh, đang băn khoăn chưa biết chọn cây gì, ông Anh khuyên nên trồng ổi, vì đất lúa kém hiệu quả thích hợp cây ổi. Đồng thời, ông còn tư vấn nguồn giống, kỹ thuật canh tác, đào hố 1 x 1m, rắc vôi bột, 1 tháng sau bỏ tiếp phân hữu cơ vi sinh, khoảng 5 tạ (20 bao). Tiếp theo, trộn 2 tạ phân lân Lâm Thao với phần đất mặt đào hố, đắp thành ụ nổi, khoảng 20cm, sau 15 ngày đặt cây giống.

Sau đó, chỉ việc giữ ẩm cho cây, theo dõi sâu bệnh, tưới nước lã 1 lần/tuần bằng máy bơm. Khoảng nửa tháng bón 1 lần phân vô cơ của các nhà máy uy tín như: Công ty Việt Nhật, Công ty Tiến Nông, Công ty Phân lân Văn Điển... Khi sắp ra hoa, bón phân hữu cơ, 1 lần duy nhất vào lúc đốn cành, tạo tán (miền Bắc khoảng tháng 11). Khi sắp đậu quả, bón giảm đạm, tăng lân, trộn lẫn với tro rơm rạ, 1 lần duy nhất.

Đến những hộ trồng bưởi, ông tư vấn: Hết giai đoạn thúc quả (khoảng tháng 2 đến tháng 5), từ tháng 7 trở đi, bón tiếp đỗ tương, để cung cấp đạm hữu cơ, đỗ tương rất thích hợp với cây có múi, có đỗ tương, múi ngọt, không khô, hạt lại lép. Nhiều hộ trồng bưởi mất ăn, mất ngủ vì chăm sóc chu đáo, nhưng quả vẫn “ộp”, múi khô, không ngọt mà còn có vị đắng, tất cả chỉ vì thừa lượng đạm vô cơ.

Góp ý về công tác HLV, ông Anh cho biết, chủ yếu đang dừng lại ở phong trào, nên xây dựng mô hình cụ thể, có chỉ đạo, đầu tư bài bản, để bà con thấy hiệu quả và làm theo. Nay, Hội hỗ trợ cây/con giống, nhưng chưa hướng dẫn cách làm, cách chăm bón thì không ăn thua. Mô hình VAC nếu làm tốt, rất hay, vì đây là nơi cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, đồng thời, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV còn có quá nhiều lỗ hổng, nhất là chưa thay đổi được nhận thức người dân. Để giải quyết vấn đề trên, các địa phương cần thành lập tổ, nhóm, có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trên cơ sở nòng cốt là HLV, có vậy mới đi đến thành công.

Ông Bùi Công Ngọc, Chánh văn phòng HLV Bắc Giang, Chủ nhiệm CLB Trang trại cây có múi Bắc Giang, cho biết: “Hiện, thành viên của Hội là các chủ trang trại, sinh hoạt tại 7 nhóm, thuộc các huyện: Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Tân Hưng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Đơn vị liên kết với Hội là những công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân phối phân bón có uy tín. Nét mới của Hội năm nay là, đã ra nghị quyết họp luân phiên tại các hộ trong nhóm, để trao đổi công việc kịp thời”.


Nguồn: Báo KTNT