Để doanh nghiệp Việt vào chuỗi sản xuất quốc tế

Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

“Chúng ta nghĩ rằng, cứ đầu tư máy móc, nhà xưởng hoành tráng là có thể trở thành đối tác cung cấp hàng cấp 1 cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài. Điều này là sai hoàn toàn, nếu không hiểu gì về văn hóa kinh doanh của họ”.

Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam, một doanh nghiệp dù mới thành lập được 10 năm, nhưng đã là nhà cung ứng hàng cấp 1 trong chuỗi sản xuất cho nhiều doanh nghiệp lớn.

* Khó để vào chuỗi

Thành lập công ty từ 2010, tới nay gần 10 năm, Hikari Việt Nam tiền thân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh máy móc, trang thiết bị, linh phụ kiện tiêu hao… Xác định, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thời điểm đó là một cơ hội để phát triển, doanh nhân Nguyễn Đức Cường đã tận dụng việc kinh doanh để có thể tiếp cận các khách hàng là đối tác doanh nghiệp nước ngoài; từ đó, làm bàn đạp mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu, linh kiện nhựa kỹ thuật, đồ gá và các chi tiết cơ khí chính xác, hệ thống tự động hóa…

Hiện Công ty Hikari Việt Nam đang là nhà sản xuất cung cấp cho hơn 150 khách hàng; trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài như Canon, Samsung, Kyocera, Nidec Corp.,Panasonic.

Dịch vụ bảo dưỡng định kỳ do Hikari Vietnam cung cấp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Để vào được chuỗi sản xuất của các đối tác nước ngoài, doanh nhân Nguyễn Đức Cường cho biết, đó là cả một giai đoạn khó khăn. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và tham gia chuỗi sản xuất thế giới với các ngành giống như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước.

“Doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam họ thường đặt vấn đề: anh có gì để cung cấp cho tôi? Năng lực của anh như thế nào? Nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì với câu chuyện mang tính quốc tế hóa chưa cao, chúng ta hay đặt ra là: anh đặt hàng tôi đi thì tôi mới đầu tư...”, ông Nguyễn Đức Cường lý giải.

Chính từ vấn đề này, các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia vào công nghiệp hỗ trợ nhưng sự đầu tư lại rất hạn chế. Bởi kinh phí đầu tư cần rất lớn và thời gian khấu hao dao động từ 7-10 năm, cùng với đó là sự quyết tâm, đam mê, yêu nghề.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng có thể tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu là hiểu về văn hóa của đối tác. Trước khi trở thành nhà cung ứng, đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), ông Cường cho biết, đã có khoảng thời gian dài làm viêc với các đối tác FDI nên hiểu và đồng cảm văn hóa với các đối tác khách hàng.

* Hiểu văn hóa để gắn kết

Với 80% các đối tác của Hikari là Nhật Bản nên không khó hiểu khi những con người làm việc tại Công ty Hikari mang tác phong làm việc của người Nhật.

Ông Cường chia sẻ, để tiếp cận các doanh nghiệp FDI từ: Anh, Nga, Hoa Kỳ hay Nhật Bản thì điều đầu tiên phải hiểu văn hóa hoạt động kinh doanh của họ. Ở Nhật, có nhiều doanh nghiệp về công nghiệp nhưng trong đó chỉ có 30% tìm được đối tác ở nước ngoài. Nguyên nhân là họ không phù hợp văn hóa.

Gian hàng tại triển lãm VME2019. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Hikari là công ty Việt Nam nhưng toàn bộ chính sách lương thưởng, cơ chế quản lý, vận hành, đều áp dụng theo mô hình của các đối tác Nhật Bản. Đơn cử như đi làm ngày nghỉ lễ, lương là 300%, đó cũng là chính sách để thu hút lao động tại Nhật Bản về, hay quy tụ nhân lực có đồng văn hóa làm việc.

Ngoài ra, với công ty Nhật, họ có một điểm rất chặt chẽ. Họ hoàn toàn đồng ý là sai số trên sản phẩm, nhưng họ rất khắt khe trong việc đối tác hứa sẽ sửa như thế nào thì phải thực hiện như thế. Trong quá trình làm việc, có khó khăn thì phải chia sẻ và nếu khó khăn đó trong phạm vi có thể được họ sẽ hỗ trợ. Và câu chuyện cũng rất sòng phẳng, nếu hỗ trợ đạt hiệu quả thì tất cả chi phí đó chia 50/50. Đó là những đặc điểm về văn hóa kinh doanh của Công ty Nhật Bản trong việc tìm kiếm đối tác.

Nói thêm về những vấn đề của doanh nghiệp Việt, doanh nhân Nguyễn Đức Cường cho hay, các doanh nghiệp trẻ mới thành lập, khởi nghiệp đều mong muốn mình là nhà cung cấp cấp 1, nhưng thực tế, các công ty lớn quan niệm: máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng hoàn toàn có thể đầu tư nếu như có nhiều tiền, nhưng kinh nghiệm về hệ thống thì là cả một quá trình phát triển. Ngoài ra, doanh nghiệp phải luôn theo họ trong suốt nhiều năm hoạt động sản xuất.

Nhận thức được việc này, với các đối tác lớn, trước tiên muốn làm nhà cung cấp cấp 1, Hikari Việt Nam cũng phải là nhà cung cấp thứ cấp cho các đối tác của họ. Từ tất cả các lần đối tác sang doanh nghiệp đánh giá nhà máy, quy trình sản xuất sẽ là những cơ hội để doanh nghiệp học hỏi, phát triển con người, phát triển hệ thống... Và sau khoảng 3 - 5 năm mới có thể nâng lên làm nhà cung cấp cấp 1, ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ.

Một điểm đáng lưu ý nữa được ông Cường đặt ra cho các doanh nghiệp trẻ: “Khi bắt đầu định hướng đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ thì phải xác định rõ khách hàng là ai, họ có yêu cầu gì? Hiện các nhà sản xuất FDI tại Việt Nam cũng rất mở, rõ ràng về các phần việc cần cung ứng từ Việt Nam. Đó là những vấn đề doanh nghiệp cần chú ý để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu”./.


Nguồn: Báo Bnews