Điển hình thời 4.0

Đoàn tham quan đi xem các mô hình chăn nuôi, làm trang trại, mô hình tổ đội hỗ trợ giống vốn, cây trồng và các mô hình xây dựng đời sống văn hóa ở nhiều nơi trong huyện. Về đến làng, ông Tô vào nhà lão Cốc cùng ngồi uống nước và bàn cách học tập, làm theo. Lão Cốc nêu ý kiến trước:

- Cái mô hình trang trại chăn nuôi ở xã Hoàng Gia ta khó mà học tập làm theo. Họ đầu tư lớn và hoành tráng quá. Lợn ở trong chuồng trại sạch sẽ, có cả chăn bông đắp mùa đông, máy điều hòa nhiệt độ mùa hè... Bố ai mà theo nổi?

- Cái mô hình họ gọi là 4.0 ấy hình thức quá! Hình như chỉ để tham quan, chiêm ngưỡng thôi...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Tô lên tiếng, lão Cốc gật gù:

- Chắc là họ đầu tư “xây dựng điển hình” đấy ông ạ! Trang trại chăn nuôi gì mà có cả hướng dẫn viên chuyên trách việc giới thiệu với khách như thế?

Ông Tô nói tiếp:

- Tôi thấy cái mô hình “góp vốn đầu tư kinh doanh” ở xã Đại Đồng có khi hay đấy ông ạ!

- Ôi dào... cái trò góp vốn hụi họ để kinh doanh ấy là trá hình của bán hàng đa cấp đấy ông ạ! Khi nó mà vỡ nợ thì cả làng cùng khóc luôn!

- Vậy thì làng ta biết làm theo mô hình nào bây giờ?

- Làm theo mô hình nào thì cần suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ ông ạ! Cái kiểu “xây dựng điển hình tiên tiến” như thế này nguy hiểm lắm!

- Hay là ta học theo các “điển hình tự phát” có khi lại thực chất và hay ông ạ!

Nghe ông Tô nói như vậy, lão Cốc cười cười nói thêm:

- Đúng! Tôi thấy cái “mô hình cả nhà làm quan” ở Hà Giang và “mô hình cả cơ quan làm sếp” ở Hải Dương có khi lại hay đấy ông ạ?- Hừ... hay gì mà hay?

- Thì “cả nhà làm quan” thì đều là người nhà thì đỡ chuyện mất đoàn kết, kèn cựa tranh giành chức tước lẫn nhau. Còn “cả cơ quan làm sếp” thì đỡ hẳn khâu quản lý, giáo dục nhân viên. Ai cũng được ký, ai cũng được đóng dấu cũng đỡ phiền hà cho dân... Dân đến công đường là gặp toàn các quan ngay, giải quyết công việc cũng nhanh chóng...

- Chưa chắc như thế đâu ông ạ!

- He... he... tôi nói vậy cho vui thôi chứ cái kiểu “mô hình tự phát” như thế này thì làng ta khó mà có thể học theo?

Ông Tô trầm ngâm:

- Mô hình tự phát thì lệch hướng, mô hình xây dựng lên thì không bền vững...

- Đúng thế, mô hình tự phát thì hay lệch hướng. Mô hình bồi dưỡng, xây dựng lên thì hay tan nhạt. Tôi còn nhớ trước đây, mỗi khi cần định hướng phong trào, phục vụ công tác tuyên truyền thì họ dồn cho nhân vật những chiến công thành tích, đưa vào đầu họ tư tưởng xung kích tiên tiến, gắn vào mồm họ những câu nói bất hủ mang hàm ý khẩu hiệu tuyên truyền, rồi trao cho những danh hiệu này nọ. Thế là họ thành một điển hình tiên tiến đi nói chuyện, tuyên truyền khắp nơi, lâu lâu rồi thành quen nói dối cứ cứ tưởng mình là mình đang nói thật. Mọi người chán vì đều biết hết mà mình vẫn không biết... Cái kiểu mô hình như thế hiện nay không học tập được nữa đâu ông ạ!

Ông Tô lẩm bẩm:

- Tạo nên những mô hình như thế là trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền đấy ông ạ!

- Thì ai chả biết thế. Nhưng thôi... chuyện làng ta đi tham quan học tập các mô hình làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp lần này coi như... thất bại!

Ông Tô lắc đầu:

- Thất bại là thế nào? Làng ta cũng được một bài học để tiếp tục đi tìm kiếm những mô hình mới ông ạ! Nhất định chúng ta sẽ tìm được một mô hình, điển hình thời 4.0 ông ạ!

Hà Nội, ngày 16-10-2019

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo |


Nguồn: Báo Văn Hiến