'Dù cách nào, vẫn phải duy trì báo chí chất lượng và chuyên nghiệp'

Bà Nguyễn Lan Anh, cựu thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam, tiếp phóng viên tại tầng 24 ở tòa nhà văn phòng trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

Đứng đầu một tổ chức hoạt động về kinh doanh khởi nghiệp, bà Lan Anh không xuất thân từ các quỹ đầu tư hay công ty quốc tế. Bà là nhà báo kỳ cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm.

Zing trò chuyện với bà Lan Anh nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Khủng hoảng mô hình

- Là nhà báo kỳ cựu, gặt hái nhiều thành công. Việc chị bỏ nghề có đáng tiếc?

- Tôi không bỏ nghề báo. Dù không điều hành Forbes Việt Nam nữa, tôi vẫn đóng vai trò cố vấn, thay mặt Forbes châu Á để giúp Forbes Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi vẫn viết bài.

Cuối năm 2018, khi quyết định nghỉ việc, tôi đã làm nghề hơn 20 năm. Về mặt nghề nghiệp, tôi đạt đến giai đoạn không nói là đỉnh cao nhưng cũng cảm thấy hài lòng với những gì mình làm được. Những thử thách muốn trải qua, tôi cũng đã trải rồi.

"Tôi thấy báo chí đang đi đến một giai đoạn rất thú vị mà cũng rất khó khăn". Ảnh: Thuận Thắng.

Lúc mới vào nghề, tôi đơn giản chỉ muốn làm một phóng viên giỏi. Sau trải nghiệm tường thuật bầu cử ở Đức, tôi muốn trở thành một phóng viên chuyên nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả trong môi trường quốc tế.

Tôi đi học ở Mỹ. Học xong, tôi đã làm tất cả những việc mình muốn như làm việc cho báo nước ngoài, viết báo bằng tiếng Anh, theo dõi từ chính trị Thái Lan đến kinh tế khu vực châu Á.

Từ việc chỉ muốn làm phóng viên, cuối cùng năm 2012 tôi được giao trọng trách xây dựng, điều hành một tờ tạp chí quốc tế ở Việt Nam và cũng làm được. Thời điểm cuối 2018, tôi đã khá hài lòng với những gì mình đã làm.

Tôi thấy báo chí đang đi đến một giai đoạn rất thú vị mà cũng rất khó khăn. Về mặt kinh doanh, báo chí đang ở giai đoạn khủng hoảng khi mô hình kinh doanh bị đảo lộn.

Rõ ràng doanh thu quảng cáo đang chảy vào những công ty lớn như Google, Facebook. Làm thế nào để báo chí vẫn tồn tại, vẫn giữ được vai trò xã hội mà không phải đi xin tiền của người khác? Rất khó.

Thành ra tôi muốn lùi lại, nhìn và tìm hiểu mô hình kinh doanh để có thể xây dựng được những tổ chức báo chí có ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng xã hội và vẫn có lợi nhuận để hoạt động. Đấy là lý do tôi quyết định nghỉ việc điều hành ở Forbes Việt Nam.

Tôi thấy báo chí đang đi đến một giai đoạn rất thú vị mà cũng rất khó khăn.

- Chị dự đoán thế nào về tương lai của báo chí?

- Báo chí chuyên nghiệp vẫn tồn tại và rất cần thiết. Nhưng các phương tiện sẽ thay đổi rất nhiều. Đến lúc nào đấy, báo giấy sẽ biến mất vĩnh viễn và mọi thứ đều đi theo nền tảng số.

Sẽ có nhiều cách để truyền tải thông tin, hình thức có thể thay đổi nhưng bản chất thì không. Chìa khóa để báo chí tồn tại là phải tìm ra được mô hình kinh doanh phù hợp.

Trước giờ, những tờ báo trên thế giới thành công trong việc khiến độc giả trả tiền để đọc online nếu tin tức của họ thật sự là tiền. Như Wall Street Journal, Financial Times, Bloomberg. Thông tin của họ quyết định việc kiếm tiền của giới đầu tư, dân kinh doanh. Vì vậy, người đọc sẵn sàng trả tiền. Đó là điều bình thường.

Những tờ báo thông tin đại chúng như New York Times trước đây có thể độc giả ngần ngại hơn. Nhưng khi cung cấp thông tin tốt, sẽ đến lúc người đọc phải trả tiền để đăng ký.

Con số thu phí báo điện tử thật ra không đáng bao nhiêu. Nó chỉ ngang một bữa ăn sáng cho cả một tháng.

Tập đoàn truyền thông hàng đầu Australia, News Corp, hôm 28/5 thông báo sẽ ngừng in hơn 100 tờ báo địa phương và khu vực do mất nguồn quảng cáo trong dịch Covid-19. Ảnh: Guardian.

Nhưng nhìn về Việt Nam, thị trường báo chí hiện tại của chúng ta đang khó khăn. Một phần vì bối cảnh, một phần vì chất lượng của báo chí đang đi xuống. Đương nhiên một số báo vẫn làm tốt hơn nhưng nhìn chung là có vấn đề.

Những người lãnh đạo cơ quan báo chí phải xác định đây là cuộc khủng hoảng và tìm cách xử lý. Họ phải xây dựng lại nội dung thật chất lượng. Đến một lúc, bạn đọc sẽ phải trả tiền để loại trừ những nguồn thông tin kém chất lượng. Ở Việt Nam tin giả, tin linh tinh giờ quá nhiều.

Wall Street Journal, Financial Times, Bloomberg - thông tin của họ quyết định việc kiếm tiền của giới đầu tư, dân kinh doanh. Vì vậy, người đọc sẵn sàng trả tiền.

Báo chí chắc chắn cũng cần hợp nhất lại. Không cần quá nhiều đến hàng trăm, hàng nghìn nguồn như bây giờ. Tất nhiên cũng không nên chỉ có một vài nguồn. Phải đủ những nguồn tin cậy.

Bất kỳ thứ gì bạn muốn làm tử tế, nên hồn, bạn phải kiếm được tiền từ nó mới có thể bền vững được.

- Liệu bao lâu nữa báo chí Việt Nam mới có thể thu phí người đọc online?

- Tôi không dám dự đoán nhưng hy vọng trong 5 năm tới câu chuyện này sẽ xảy ra. Nhưng muốn làm được, chắc chắn nội dung báo chí phải tốt hơn, đặc biệt hơn nhiều còn nếu không rất khó.

Hoặc báo chí vẫn chạy theo mô hình mở ra cho tất cả mọi người đọc nhưng sẽ nằm trong một hệ sinh thái có nguồn thu để dùng dòng tiền đấy nuôi báo chí. Bằng cách này hay cách khác, cần phải duy trì báo chí chuyên nghiệp với nội dung chất lượng.

- Trước sau rồi độc giả cũng phải trả phí để đọc báo online?

- Đây không phải con đường của tất cả cơ quan báo chí. Mô hình này tồn tại nhưng không phải tất cả đều có thể áp dụng.

Với những người trẻ muốn làm nghề báo vẫn có cơ hội. Nhưng hơi khó ở chỗ nếu muốn làm việc đàng hoàng, sống được với nghề, bạn trẻ phải viết ở những nơi trả lương tốt. Hoặc lựa chọn làm việc tại các tờ báo quốc tế. Ngoài ra, còn cần một số lãnh đạo giỏi tạo môi trường tốt cho người trẻ làm việc.

"Những tờ báo trên thế giới thành công trong việc khiến độc giả trả tiền để đọc online nếu tin tức của họ thật sự là tiền". Ảnh: Reuters.

Giao thoa của chính thống và phi chính thống

- Chị nói mấu chốt của báo chí là chất lượng nội dung. Nhưng độc giả trong kỷ nguyên mạng xã hội dường như dễ bị cuốn theo những câu chuyện phù phiếm. Làm thế nào để phục vụ đối tượng này?

- Chất lượng được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau. Nếu độc giả của bạn chỉ thích những đoạn video ngắn, bạn phải sản xuất chúng nhưng vẫn phải có chất lượng. Tôi không nghĩ mọi người thích những cái kém chất lượng, kể cả người trẻ bây giờ.

Ngày trước, bài báo tốt có thể là bài báo dài. Nhưng bây giờ đôi khi muốn đọc bài báo dài, nhiều khi chúng ta không có thời gian. Hiện tại có nhiều hình thức thể hiện như longform, cũng có thể loại rất ngắn, có thể dùng video, phóng sự hình ảnh. Tóm lại đã chất thì hình thức nào cũng vẫn chất.

- Trước khi nghĩ đến việc thu phí online, báo chí Việt Nam vẫn phải sống bằng quảng cáo. Để có quảng cáo phải có lượt xem (view). Nhưng nhiều khi view không đồng nghĩa với chất lượng?

- Có rất nhiều hướng khác nhau trong báo chí. Trước đây, có rất nhiều tờ lá cải không có quảng cáo nhưng chuyên đưa tin cướp, giết, hiếp. Họ bán bằng số lượng báo vì độc giả thích đọc những chuyến đấy. Bây giờ cũng thế.

Từng tờ báo sẽ chọn đi theo hướng nào với đối tượng độc giả là ai. Khi view quan trọng vì quảng cáo, một số sẽ chọn con đường đấy. Điều này không tránh được. Liệu làm như thế có thành công không vẫn là câu hỏi. Nhưng đó cũng là một mô hình kinh doanh.

Báo chính thống sẽ cố gắng làm nội dung dễ đọc hơn để thu hút đám đông hơn. Bên kia trước đây làm mọi thứ để hút độc giả giờ lại muốn trở thành nguồn đáng tin cậy và hai bên sẽ gặp nhau.

Những tờ báo cung cấp thông tin có chất lượng, rất cần thiết cho xã hội và làm độc giả phải trả tiền cũng có cửa nhưng đây là hai câu chuyện khác nhau.

Đối tượng độc giả teen có thể thích những thông tin người lớn cho rằng là nhảm. Đó là nhu cầu về thông tin theo cách khác và là nhu cầu thực của thị trường.

Nhưng mọi thứ có thể thay đổi. Ở Mỹ, một số trang hút view bằng những tin tức không chính thống rồi được nhà đầu tư đổ tiền vào. Khi có nhiều tiền và bắt đầu muốn làm nội dung chất lượng, tử tế, họ lại tuyển phóng viên từ những tờ báo chính thống.

Những người làm lãnh đạo báo chí ở Mỹ chia sẻ với tôi truyền thông sẽ gặp nhau ở giữa. Bên này là chính thống, bên kia là không chính thống. Báo chính thống sẽ cố gắng làm nội dung dễ đọc hơn để thu hút đám đông hơn. Bên kia trước đây làm mọi thứ để hút độc giả giờ lại muốn trở thành nguồn đáng tin cậy và hai bên sẽ gặp nhau.

Nhưng nhìn chung cả ở Mỹ và Việt Nam, báo chí chuyển sang nền tảng online vẫn gặp khó khi những ông lớn công nghệ đã ăn hết miếng bánh doanh thu quảng cáo.

Tiền quảng cáo đang đổ về Facebook và Google, khiến báo chí ngày càng teo tóp. Ảnh: Reuters.

Nhà báo không chỉ làm báo

- Môi trường làm báo hiện tại có vẻ không được như trước?

- Lúc tôi mới vào nghề, báo chí Việt Nam còn đơn sơ nhưng môi trường làm nghề rất tốt. Đến bây giờ, vì nhiều lý do, chất lượng báo chí đi xuống nhiều. Nhưng tôi cũng không mất hy vọng vì có những tờ báo mới đang nổi lên và làm việc chuyên nghiệp hơn.

Nghề báo ngày xưa đặc biệt hơn vì những kênh truyền thông hồi đó không nhiều, chỉ có báo, radio. Không có mạng xã hội như bây giờ. Tất cả mọi người lấy thông tin từ báo chí. Và các bài báo rất được trau chuốt.

Hiện tại báo chí chỉ là một phần của truyền thông. Truyền thông giờ quá rộng. Mạng xã hội, Facebook của tôi cũng là một nguồn tin. Ai cũng có thể là nguồn tin và vấn đề là tin giả quá nhiều.

Những thông tin phóng viên viết được biên tập lại rất nhiều lớp. Khi bài lên bản in và ngày hôm sau báo ra, phóng viên đọc bài của mình có cảm giác háo háo hức đặc biệt. Chính vì nhờ làm nghề một cách cẩn thận, báo chí nhận được sự tôn trọng của bạn đọc. Mọi người coi trọng báo chí dù về mặt thương mại không được như bây giờ.

Còn hiện tại báo chí chỉ là một phần của truyền thông. Truyền thông giờ quá rộng. Mạng xã hội, Facebook của tôi cũng là một nguồn tin. Ai cũng có thể là nguồn tin và vấn đề là tin giả quá nhiều.

Vì tin giả nhiều nên báo chí vẫn cực kỳ quan trọng. Báo chí có tiêu chuẩn về mặt nguồn tin, có sự xác thực, chính xác. Đợt đại dịch vừa qua, mọi người lại quan tâm đến các thông tin từ báo chí chính thống. Khi xã hội có những cuộc khủng hoảng, báo chí càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng cùng lúc, báo chí cũng liêu xiêu vì không có tiền.

- Có cảm giác chị vẫn rất yêu nghề báo và muốn người trẻ theo nghề nhưng chị nhìn thấy một bi kịch ở thời điểm hiện tại với báo chí?

- Tôi không dùng từ bi kịch. Gọi là khủng hoảng thì đúng hơn. Nhưng phải có khủng hoảng mới có thay đổi.

Nếu hỏi tôi với tình trạng bây giờ của báo chí có theo nghề hay không, câu trả lời vẫn là có. Nghề báo đem lại rất nhiều thứ cho tôi, không phải về tiền bạc mà là kinh nghiệm phong phú học được. Những con đường đã đi, những trải nghiệm học được tôi nghĩ rất ít người có.

Bà Lan Anh có bằng thạc sĩ báo chí tại Đại học Boston, Mỹ, năm 2005 theo học bổng Fulbright. Trong thời gian này, bà nhận giải thưởng Mark of Excellence từ Hiệp hội các Nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ.

Bà làm việc với Forbes châu Á từ năm 2007 và điều hành Forbes Việt Nam từ 2012 đến cuối 2018 trước khi gia nhập Endeavor Việt Nam, mạng lưới kết nối doanh nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp với tinh thần “đáp đền tiếp nối”.

Năm 2015, bà trở thành thành viên của chương trình Eisenhower Fellowship, tập trung vào nội dung Lãnh đạo Phụ nữ tại Mỹ cùng 24 nữ lãnh đạo quốc tế.

Quan trọng các bạn trẻ định nghĩa thành công là gì, hạnh phúc là gì và ý nghĩa cuộc sống của mình là gì. Báo chí dù hiện giờ khó khăn, tôi vẫn tìm cách để làm nghề.

- Nhà báo suốt đời chỉ làm báo?

- Không. Quan điểm của tôi khi nói làm một nghề nên suốt đời chỉ làm một nghề là sai vì bây giờ thế giới thay đổi quá nhanh. Nghề nghiệp hôm nay tồn tại, ngày mai có thể không còn nữa.

Một người trẻ bước vào đời phải chuẩn bị cho mình rất nhiều kỹ năng và thật ra phải rất linh động, luôn luôn học cái mới và sẵn sàng thay đổi. Nghề báo cho bạn chính khả năng đấy khi có cơ hội tiếp xúc nhiều người và học được nhiều điều. Đương nhiên tư duy của bản phải rất cởi mở.

Bây giờ không nên cố định tư duy của mình vào một nghề nào đó quá. Bạn nên trang bị kiến thức thường xuyên để luôn luôn thay đổi. Người trẻ hay người già đều vậy.

Việc lựa chọn phụ thuộc vào sự ưu tiên của từng người, khi tốt nghiệp, bạn nhìn cuộc sống như thế nào.

Những năm đầu đi làm, lương của tôi rất thấp nhưng xã hội lúc đấy không có nhiều áp lực về chuyện kinh tế như bây giờ. Có thể mọi người còn nghèo nhưng sống vô tư.

Tôi tiêu hết tiền để dành vào một chuyến đi châu Phi đầu những năm 2000 nhưng chẳng nghĩ ngợi gì vì thấy mình còn trẻ, chưa cần lo chuyện mua nhà, mua xe.

- Nghề báo có trang bị cho chị những kỹ năng để làm công việc khác?

- Việc học hỏi nằm ở mỗi người. Có những người đặt vào vị trí đó cũng chưa chắc đã học được gì. Với nghề báo, mình học được rất nhiều vì gặp gỡ nhiều người với trải nghiệm khác nhau. Khi gặp họ, có khi mình nhận ra được điều gì phù hợp nhất. Đó cũng là một cách rất tốt để thử nghiệm trong cuộc sống.

Rất nhiều người kinh doanh, làm việc ở quỹ đầu tư từng làm báo và họ chuyển nghề từ những thứ họ học được, từ những mối quan hệ họ có được. Có một số người chuyển sang làm chính trị.

Khi làm báo với niềm say mê nghề nghiệp, bạn sẽ không cảm thấy tụt hậu vì luôn ở trong dòng chảy của cuộc sống.

- Nếu bây giờ có một tờ báo mời chị về làm việc, chị có đồng ý?

- Tôi cũng nhận được nhiều lời mời làm báo nhiều nhưng chưa quay lại. Khi chưa tìm được lời giải cho ngành báo, chắc tôi sẽ không tham gia.

Tôi thỉnh thoảng vẫn viết bài. Nhưng nếu nói làm báo với ý nghĩa xây dựng một điều gì đấy đàng hoàng, đó vẫn là thứ tôi muốn làm nhưng chưa tìm thấy lời giải.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.


Nguồn: Báo Zing