Giải bài toán 'lãi' của startup Luxstay

Tuy nhiên đâu sẽ là thách thức đối với startup này khi đến năm 2023 mới có lãi?

Theo chia sẻ ông Nguyễn Văn Dũng-CEO Luxstay, với vốn điều lệ 68 tỷ đồng, trước đó, Luxstay đã gọi thành công 3 vòng vốn với tổng giá trị 168 tỷ đồng. Việc gọi vốn thành công đã biến Luxstay thành thương vụ có cam kết rót vốn lớn nhất trong lịch sử Shark Tank tính đến thời điểm hiện tại, vượt qua con số 1 triệu USD kỷ lục.

Startup vẫn trong giai đoạn “đốt tiền”

Sau thời gian điều hành Netlink, với sự tư vấn, thúc đẩy của các chuyên gia, quỹ đầu tư, năm 2017, Nguyễn Văn Dũng lập ra startup mới – Luxstay. Đây là nền tảng chia sẻ phòng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hàng chục nghìn địa điểm lưu trú cao cấp khắp cả nước.

Có thể nói, 2 năm vừa qua, Luxstay đã kêu gọi thành công 3 vòng gọi vốn với tổng số tiền đầu tư khổng lồ nhưng Startup hiện vẫn trong giai đoạn "đốt tiền". Tuy vậy, CEO Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng họ sẽ đạt điểm hòa vốn vào giữa năm 2022, đồng thời trở thành startup biểu tượng của Việt Nam, có khả năng đánh chiếm các thị trường trong khu vực.

Ông Dũng chia sẻ: "Chúng tôi muốn xây dựng Luxstay thành công ty toàn cầu, như cách Grab, một tay chơi khu vực, đã chiến thắng tại thị trường Đông Nam Á".

Trước khi bắt đầu vòng gọi vốn với mục tiêu kêu gọi 10 triệu USD, CEO của Luxstay đã quyết định đến Shark Tank bằng lời mời 600.000 USD cho 1% cổ phần và tỉ lệ phát hành tối đa cho vòng gọi vốn lần này là 20%. Bản thân Luxstay muốn đi nhanh hơn, chiếm lĩnh hơn và chỉ có tốc độ, sự tiên phong là hai yếu tố giúp cho bất kì startup nào đi nhanh nhất và chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Dũng, tại Việt Nam, quy mô thị trường Home sharing (dịch vụ chia sẻ nhà ở) có doanh thu khoảng 174 triệu USD, chiếm chưa đến 2% chi tiêu tổng thị trường lưu trú tại Việt Nam được ước tính khoảng 8 tỷ USD. Trong khi, ở các quốc gia phát triển thì Home sharing đã chiếm từ 10 - 20% chi tiêu của thị trường lưu trú.

Thách thức nào cho Luxstay

Trong năm 2017, cũng là năm đầu tiên thành lập nhưng tổng giá trị giao dịch trên nền tảng Luxstay đạt 300.000 USD. Đến năm 2018, con số này tăng lên 2,2 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2019 là 1,7 triệu USD. Dù số lượng và giá trị giao dịch tăng nhanh nhưng trên thực tế, năm 2018, Luxstay "burn rate" (số tiền chi cho các chi phí trước khi có dòng tiền dương) là 25 tỷ đồng. Ông Dũng cho biết, công ty đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Hiện vẫn chưa có lãi.

Theo đánh giá thì thị trường home-sharing Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhất khu vực gắn với tốc độ phát triển của ngành du lịch. Ở một số TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt, Nha Trang... đang có tình trạng bùng phát home-sharing.

Ông Nghiêm Bùi - nhà đồng sáng lập và quản lý chuỗi căn hộ Holo Fairy Houses cho biết, không ít nhà đầu tư nhận ra rằng tổng doanh thu trong một tháng không đủ để trả được tiền thanh toán định kỳ hoặc tiền lãi.

“Khi lượng cung tăng quá nhiều, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng sàng lọc” - ông Bùi nhận định, đồng thời cho biết, dự báo thị trường này sẽ là cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Như vậy, với dự định tới năm 2023 mới có lãi, cho dù có gọi vốn thành công thì thách thức với statup Luxstay non trẻ sẽ là không nhỏ.


Nguồn: Báo DĐDN