Hiệu quả từ mô hình kết hợp

Phát triển cây xoài Thái

Trước đây, kinh tế gia đình ông Đoàn Văn Trang (ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, An Giang) gặp nhiều khó khăn. Ông Trang cùng gia đình phải làm thuê, mướn để kiếm sống qua ngày. Khoảng 11 năm trước, nhờ chịu khó làm ăn, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, cũng như của Hội Nông dân phường Châu Phú B, ông Trang đã lập vườn, phát triển mô hình trồng cây ăn trái trên diện tích 3.000m2 đất.

Thời gian đầu, ông trồng quýt nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, sau đó ông Trang chuyển sang canh tác xoài Thái. Lý giải việc lựa chọn cây trồng này, ông Trang cho biết, xoài Thái cho năng suất cao và ổn định hơn, ngoài ra đây còn là loại nông sản được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên việc chăm sóc cây xoài gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác từ những người đi trước, cũng như trên các phương tiện truyền thông nên quá trình canh tác từng bước được ông áp dụng vào mảnh vườn thuận lợi hơn.

Theo ông Trang, để vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, người làm vườn cần hiểu được đặc tính sinh trưởng của từng giai đoạn để có chế độ chăm sóc, bón phân phù hợp. Trong quá trình canh tác, nông dân phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện các đối tượng dịch bệnh gây hại, từ đó có những giải pháp phòng ngừa và đưa ra hướng điều trị hợp lý.

Để nuôi bò đạt hiệu quả, chuồng trại phải luôn được giữ sạch sẽ, thoáng mát...

“Xoài Thái từ lúc trồng đến lúc cho trái khoảng 2-3 năm. Đợt đầu tiên, mỗi cây cho 5-6kg/trái. Đến lúc cây đã trưởng thành có thể đạt 50-60kg trái, thậm chí có khi lên đến 100kg/cây. Giá mặt hàng này luôn ổn định, từ 20.000-30.000 đồng/kg. Với mức giá 30.000 đồng/kg, mỗi công đất trồng xoài cho lợi nhuận 20-30 triệu đồng. Đặc biệt, giá xoài đạt cao nhất khoảng tháng 9 (âm lịch) nên gia đình tôi thường xử lý ra hoa vào thời điểm tháng 4 (âm lịch)”- ông Trang chia sẻ.

Hiện nay, ngoài đất của gia đình, ông Trang còn thuê thêm đất để canh tác xoài, nâng tổng diện tích đất vườn của gia đình lên 20 công. Trong đó, 8,5 công đất trồng xoài tượng da xanh và 11,5 công đất nhân rộng mô hình trồng xoài Thái.

Kết hợp nuôi bò

Ngoài phát triển mô hình trồng xoài Thái, gia đình ông Đoàn Văn Trang còn lập chuồng để chăn nuôi bò. Thời gian đầu, ông nuôi 2 con bò vỗ béo, sau khi bán, ông Trang thu lợi khoảng 21-22 triệu đồng. Thấy mô hình làm ăn có hiệu quả, ông tăng số lượng con giống, chuyển sang nuôi bò tơ để tìm kiếm nguồn lợi nhuận cao hơn. Ông Trang cho biết, để nuôi bò đạt hiệu quả, chuồng trại nuôi bò phải sạch sẽ, thoáng mát...Trong quá trình chăn nuôi phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn bò.

Để hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần chọn mua giống bò ở những trang trại uy tín, không mua con giống trôi nổi ở thị trường. Ngoài ra, ông còn thuê thêm đất trồng cỏ để cung cấp đủ thức ăn cho bò. “Hiện, tôi duy trì số lượng bò trong chuồng từ 4-5 con. Một con bò nếu được chăm sóc tốt, mỗi tháng có thể thu về 1 triệu đồng” - ông Trang chia sẻ.

Không chỉ tăng lợi nhuận từ việc nuôi bò, việc chăn nuôi bò kết hợp làm vườn còn giúp ông tiết kiệm chi phí sản xuất cây trồng từ việc sử dụng phân chuồng. Theo ông Trang, xoài được bón bằng phân chuồng nên sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Đồng thời, giúp giảm 50% chi phí phân bón mỗi vụ. Ngoài ra, bón phân chuồng giúp tăng độ tơi xốp cho đất, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt tuy không phải là mô hình mới nhưng đã mang lại hiệu quả cao cho gia đình ông Đoàn Văn Trang, góp phần làm đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B Huỳnh Mộc Khải cho biết, với mô hình kết hợp vườn - chuồng của ông Đoàn Văn Trang đã mang lại hiệu quả tích cực.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng. Qua đó tiến tới thành lập các tổ liên kết sản xuất để có những chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Phường Châu Phú B có vị trí địa lý thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp khoảng 893,03ha. Trong đó, diện tích đất ao hầm 50,48ha, cây lâu năm 143,02ha, đất trồng lúa 486,72ha, trồng màu và các loại cây khác 76,07ha… Phường Châu Phú B hiện có 1 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác sản xuất (chuyên phục vụ dịch vụ tưới) và 1 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 145 triệu đồng/ha/năm.


Nguồn: Báo An Giang