Khi bắt đầu nghĩ tới việc khởi nghiệp, bạn sẽ nghĩ tới điều gì đầu tiên? Hạnh phúc, tự do hay sự giàu có… Không, đừng suy nghĩ cao siêu quá như vậy, mà hãy nghĩ tới việc làm gì để có thể sống được trong 1 - 2 năm đầu với ý tưởng của mình, rồi sau đó mới tính đến những chiến lược lớn hơn.
Muốn bay cao, bay xa, trước tiên phải… tập bay
Cũng giống như nhiều người khác, tôi cũng là một người có nhiều ước mơ, khát vọng trên con đường khởi nghiệp và làm giàu, thay vì theo con đường công chức nhà nước để “yên ổn” như các cụ thường dạy.
Hơn 4 năm học tập trên giảng đường đại học và sự va đập trong cuộc sống khiến tôi mau chóng hướng tới con đường riêng của mình, mà không theo sự sắp đặt, định hướng của gia đình. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đầu quân vào làm việc cho một công ty thương mại điện tử.
6 tháng làm trong môi trường hết sức năng động, ứng dụng công nghệ hiện đại và kinh doanh, với nhiều bài học quý giá như marketing, PR, quản lý…, tôi đã nghĩ tới việc mở công ty riêng để khởi nghiệp.
Thời điểm đầu, mọi thứ dường như có vẻ suôn sẻ khi ý tưởng bắt đầu tạo ra thu nhập trong tháng đầu tiên. Thế nhưng, việc thiếu quá nhiều thứ về kiến thức tài chính, quản trị doanh nghiệp, cũng như mối quan hệ đã khiến số tiền kiếm được trước đó nhanh chóng ra đi sau một thời gian ngắn.
Tôi đã phải dừng lại dự án đầu tiên của mình như vậy.
Xác định rõ vấn đề, dù không thiếu khát vọng và động lực, nhưng cũng phải mất một thời gian dài sau khi đi làm, tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng và cả mối quan hệ, tôi mới dám khởi nghiệp trở lại. Rút kinh nghiệm từ lần trước, nhờ việc toàn tâm toàn ý và có chiến lược đi rõ ràng, hoạt động khởi nghiệp mới tạm gọi là trơn tru cho đến thời điểm hiện tại.
Nuôi mơ ước, đừng nuôi ảo tưởng
Một thực tế hiện nay, rất nhiều anh em khởi nghiệp thường hỏi vui với nhau rằng “Anh có được mấy công ty rồi?”. Điều này phản ánh một thực trạng là khởi nghiệp đã trở thành trào lưu, đến mức nhiều người trẻ cho rằng, mức độ thành công của bản thân được đo đếm bởi số lượng công ty từng tham gia sáng lập, bất chấp hiệu quả hoạt động đến đâu.
Đồng ý rằng, tinh thần khởi nghiệp nên được khuyến khích, nhưng người trẻ cần tập trung tối đa vào việc mình đang làm và khiêm tốn nuôi dưỡng ước mơ chứ đừng nuôi ảo tưởng. Phía sau ánh hào quang của những câu chuyện kể về thành công trong việc khởi nghiệp, cùng những lời động viên hãy khởi nghiệp, rất ít ai hiểu rằng đó là cả một “trời” áp lực cho những “tay mơ” lần đầu đến với nghề như bạn.
Sẽ không ai nói cho bạn hiểu, nếu không tồn tại được trong khoảng thời gian 6 tháng đầu, thậm chí phải từ 1 – 2 năm đầu với một số lĩnh vực đặc thù, thì rất ngắn thôi, chính bạn sẽ đưa vào con đường “hãy theo đuổi đam mê và nợ nần sẽ theo đuổi bạn”.
Sau đó là gì? Là khoảng không mênh mông của sự thất vọng kéo dài, sự tự ti và mất lòng tin, không lối thoát, cộng thêm áp lực từ những chi phí sinh hoạt, nhà trọ, đi lại hằng ngày cũng khiến cho bạn nản chí.
Đừng nhìn vào những ly bia sủi bọt trong những buổi liên hoan nội bộ sau một chiến dịch bán hàng thành công của các công ty khởi nghiệp bất động sản trên mạng. Những hình ảnh đó dễ khiến cho bạn hoa cả mắt và dễ bị lôi cuốn vào “sân chơi” mà bạn không biết rằng, đây là nghề không dễ dàng và không phải ai cũng “chơi” được.
Chẳng hạn, một hoạt động dễ nhất là khởi nghiệp trong môi giới bất động sản. Trong vài năm vừa qua, chứng kiến rất nhiều sàn giao dịch, đơn vị phân phối được thành lập và ra mắt rất hoành tráng. Trên rất nhiều diễn đàn, không quá khó để thấy những xấp tiền dày cộm được đại diện công ty trao cho nhân viên sau khi có một giao dịch thành công, rồi chụp hình tung lên facebook.
Thế nhưng, đó là khi thị trường chung đang sôi động, nên phần nào đó các sàn môi giới, đơn vị phân phối này được hưởng lợi theo. Thế nhưng, ít ai dự phòng cho mình một trường hợp rủi ro, nếu đặt trường hợp xấu xảy ra, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng như năm 2008 – 2013, các dự án không bán được vì sự tác động của yếu tố nào đó, thử hỏi bạn có bán được hàng không?
Lúc đó, liệu các sàn môi giới yếu tài chính, thiếu quan hệ, liệu có trụ vững với nghề? Những câu hỏi này đã từng có đáp án và xảy ra trong quá khứ khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng những năm 2008 – 2013.
Nên nhớ, sự sôi động của thị trường bất động sản trong vài năm vừa qua có nhiều yếu tố tác động như dòng tín dụng được khơi thông, các chính sách được cởi mở, nhu cầu nhà ở trở nên cấp thiết… Tuy nhiên, có một yếu tố không kém phần quan trọng đó là sức nén của dòng tiền đầu tư đã tắc nghẽn khá lâu do thị trường “ngủ đông” kéo dài (gần 7 năm).
Khi dòng tiền bị nén chặt, không có kênh đầu tư nào đủ hấp dẫn, các nhà đầu tư cơ quay sang lướt sóng bất động sản. Ngoài ra, dòng tiền nhàn rỗi lớn trong dân được chuyển hướng qua địa ốc, vì đây được xem là kênh đầu tư an toàn. Do đó, thị trường chứng kiến cảnh một bộ phận nhóm khách hàng mua biệt thự, bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng khắp các địa phương có vị trí đắc địa theo kiểu mua sỉ.
Đây là cơ hội cho những môi giới địa ốc “lên đời” và cũng là cơ hội vàng cho những người hành nghề “thời vụ” đổi đời. Do đó, mới có hiện tượng tuyển dụng dày đặc của các công ty, các nhà phân phối, dẫn đến người người làm môi giới bất động sản, nhà nhà làm môi giới địa ốc trong thời gian gần đây.
.Từ đó, có quan niệm mới được phát sinh trong giới hành nghề là, không cần đầu tư kiến thức vẫn thành công vì kiếm tiền quá dễ. Chỉ cần đầu quân vào công ty bất động sản học thuộc sản phẩm và vài chiêu thức bán hàng, sau đó, đi “quăng lưới” là có thể “chiến” được rồi!
Không phải thất bại nào cũng là mẹ thành công
“Tôi sẽ hạnh phúc khi… ” là ý nghĩ trớ trêu đã gây không biết bao nhiêu đau khổ cho bất kể ai theo đuổi bất cứ điều gì trên đời. Chúng ta luôn chạy theo thứ gì đó và dù cho khi ta có được thứ mình muốn, ta vẫn cảm thấy có chút trống rỗng nào đó.
Trong tâm lý học, khái niệm này được gọi là “ảo tưởng tập trung”
(focusing illusion). Đó là một xu hướng nhận thức khi người ta nâng tầm quan trọng lên một khía cạnh của một sự kiện, gây ra sai lầm trong việc dự đoán chính xác lợi ích trong tương lai.
Bạn thường tự vẽ cho mình những viễn cảnh đẹp đẽ như một câu chuyện cổ tích, nhưng khi bạn thực sự có được nó thì lại không rực rỡ như thế. Nhiều kẻ tham vọng vướng phải hiện tượng tâm lý như vậy. Họ mơ tưởng về cuộc sống của doanh nhân, nhưng một khi thực sự sống cuộc sống đó, họ mới nhận ra thực tế mọi thứ chẳng giống tưởng tượng chút nào.
Từ kinh nghiệm của bản thân với tư cách là doanh nhân, tôi thấy rằng, sự tự do, giàu có và danh tiếng… không thể đạt được ngay nếu khởi nghiệp mà thiếu sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Nếu các bạn trẻ chưa có sự chuẩn bị kỹ mà đã vội vàng khởi nghiệp, thì tỷ lệ rủi ro là rất lớn. Nếu thất bại, không chỉ mất tiền bạc, thời gian, mà còn có thể làm suy giảm niềm tin của mọi người và chính bản thân người khởi nghiệp.
Thất bại cho chúng ta kinh nghiệm để có thể thành công sau này, nhưng không thất bại thì vẫn hơn, vì trả nợ trong suốt một thời gian dài không đem đến một bài học mới nào, mà có khi sẽ làm nhụt chí người trong cuộc, không còn cơ hội để tiến lên một lần nữa mà thành công.
Do đó, câu “thất bại là mẹ thành công” chỉ đúng với mục đích động viên tinh thần của người thất bại và không bao giờ là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công. Nói cách khác, tránh được thất bại là thượng sách, thành công ngay từ đầu sẽ dễ thành công lớn hơn sau này. Thất bại ngay từ đầu sẽ kéo dài thời gian đi đến thành công.
Tự làm chủ hay làm công ăn lương đều có những mặt lợi và bất lợi, nhưng nếu chưa xác định được giá trị của bản thân, chưa thể sống tự lập hay chưa nhận rõ những khuyết điểm của mình, thì rất khó có cơ hội thành công. Còn cơ hội, sẽ không khi nào là quá muộn với người biết tạo ra chúng.