Một cư dân Hawaii bỏ hơn 8.000 USD để dựng một chiếc lều với đầy đủ tiện nghi rồi cho thuê lại trên ứng dụng đặt phòng. Giờ, cô thu về khoảng 28.000 USD/năm.
Theo CNBC, khi nhìn thấy bức ảnh chiếc lều có mái che trên tạp chí, cô Kehau Hall, 28 tuổi, đã nảy ra ý tưởng về xây dựng mô hình glamping. "Glamping" - được ghép từ "glamorous" và "camping", tạm dịch là "cắm trại sang chảnh" - là một dạng nghỉ dưỡng mô phỏng hình thức cắm trại nhưng đầy đủ tiện nghi.
Cô Hall dựng lều ở Hawaii, quê hương của cô, và bắt đầu cho thuê trên ứng dụng đặt phòng từ năm 2014. Căn lều chỉ cách chân núi lửa khoảng 10 phút đi bộ.
Cô Hall chỉ phải bỏ ra dưới 300 USD để dựng lều, và tầm 8.000 USD cho các tiện nghi như nhà bếp, vòi sen lộ thiên và tấm nệm cỡ lớn. Sau đó, cô cho thuê lại với giá 70 USD/đêm và thu về khoảng 28.000 USD/năm.
Cô Hall đầu tư 300 USD để dựng lều và tầm 8.000 USD cho các tiện nghi như nhà bếp, vòi sen lộ thiên và tấm nệm cỡ lớn. Căn lều được cho thuê lại với giá 70 USD/đêm. Ảnh: CNBC/Kehau Hall.
Doanh thu
"Tôi muốn các du khách có thể thực sự hòa mình vào thiên nhiên", cô Hall chia sẻ.
Từ thời trung học, cô Hall đã làm việc cho các homestay địa phương. Cô cũng từng đảm nhận công việc quản lý nhà cho thuê ở một công ty môi giới bất động sản.
Bước sang tuổi 20, cô Hall quyết định tự xây dựng mô hình kinh doanh của riêng mình. Cô tiết lộ chỉ mất khoảng 6 tháng để chiếc lều của mình được du khách biết đến qua ứng dụng đặt phòng.
Sau 6 tháng đầu tiên, điểm nghỉ dưỡng của cô Hall có lượng khách khá ổn định với 3 lượt đặt phòng/tuần, mỗi lượt trung bình 2-4 đêm.
Thời điểm đó, công việc của cô Hall được coi là công việc trong mơ. Cô chỉ mất khoảng 10-15 giờ/tuần để quản lý lượt đặt phòng, dọn dẹp lều trại, và thêm 15 giờ quản lý những ngôi nhà cho thuê khác của gia đình. Mỗi năm, cô Hall kiếm khoảng 50.000 USD.
Theo số liệu năm 2019, doanh thu từ khách du lịch của Hawaii lên tới 17.75 tỷ USD. Riêng hòn đảo trung tâm mang về 22,4 triệu USD/ngày. Đây cũng là nơi cô Hall dựng căn lều đầy đủ tiện nghi của mình.
Cạnh tranh khốc liệt
Nhưng tình thế đã thay đổi khi dịch Covid-19 bùng phát. Vào tháng 3/2020, Hawaii đưa ra lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với du khách để đối phó với dịch bệnh. Doanh thu của ngành du lịch do đó lao dốc mạnh.
Theo Sở Kinh doanh, Phát triển Kinh tế và Du lịch Hawaii, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã tăng vọt từ 2% trong quý I/2020 lên 20,1% vào quý II.
Theo cô Hall, trong 6 tháng đó, cô gần như mất hết nguồn thu và phải sống bằng tiền tiết kiệm.
Sang năm 2021, khi các công ty quen dần với việc làm việc từ xa, du khách lựa chọn những kỳ nghỉ kéo dài khoảng một tháng, ngành du lịch tại Hawaii cũng có dấu hiệu khởi sắc. Nhờ đó, cô Hall có thu nhập ổn định trở lại.
Doanh thu từ khách du lịch của Hawaii lên tới 17.75 tỷ USD trong năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.
Xu hướng glamping cũng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia do các yêu cầu giãn cách xã hội trong thời kỳ đại dịch. Cô Hall chia sẻ đang có ý định mở rộng dịch vụ với khoảng 3 mô hình glamping tương tự tại Hawaii trong 2-3 năm tới.
Cô cũng đang cân nhắc các nền tảng đặt phòng trực tuyến khác. Nhưng với những nền tảng thu phí cao, số tiền cô thu về sẽ ít đi đáng kể.
Với cô Hall, thách thức lớn nhất lúc này là sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp du lịch ở Hawaii. Tại đó, mọi người thường dễ dàng sao chép hoặc cải tiến ý tưởng của người khác để phát triển mô hình của riêng mình.
Tuy nhiên, cô Hall vẫn sẵn sàng đương đầu và không có ý định chuyển đi nơi khác.
Nguồn: zingnews.vn