Mãn nhãn với vườn dừa 'oằn' trái của thanh niên 9X

Năm 2013, anh Lê Văn Liên (SN 1990, ngụ ấp An Trung, xã An Thạnh Nhất) sau một thời gian lao động ở Malaysia khi về quê được người bạn Malaysia tặng hai trái dừa giống xiêm xanh. Mang về, anh Liên nghĩ trồng cho vui chứ Cù Lao Dung là vùng có diện tích trồng dừa lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng.

Anh Liên bên một cây dừa xiêm xanh Mã Lai của mình.

Không ngờ, chỉ sau 2 năm, hai cây dừa này bén đất, cho trái nhiều khiến bà con ở địa phương rất ngạc nhiên. Từ hai cây dừa đó, anh chọn trái tốt để làm giống thay cho giống dừa quen thuộc ở địa phương vốn đã lão hóa, sản lượng thấp, chất lượng không cao. Đến nay, vườn dừa của anh đã có trên 150 cây đang cho trái.

Dẫn chúng tôi ra vườn dừa, anh Liên giới thiệu: “Loại dừa này rất dễ trồng, chăm sóc khỏe, ít bị sâu bệnh vì có sức đề kháng cao, chỉ trồng 2 năm là cho trái. Một năm mỗi cây cho từ 16-18 buồng, mỗi buồng bình quân 40 trái. Mỗi trái cho khoảng 0,5 lít nước”.

Mỗi một cây dừa xiêm xanh Mã Lai cho hàng trăm trái.

Cầm trái dừa anh Liên đã chặt sẵn, chúng tôi uống thử thấy nước dừa ngọt hơn các loại dừa ở địa phương; vỏ dừa rất mỏng, cơm dừa dày và dẻo.

Theo anh Liên, trước đây anh bán dừa tươi dùng uống nước cho thương lái, giá khoảng 80.000 đồng/12 trái. Tính bình quân mỗi trái 6.000 đồng thì mỗi cây dữa một năm cho anh thu nhập khoảng 4 triệu đồng.

Như vậy mỗi năm với 150 cây dừa, anh có thu nhập trên nửa tỉ đồng mà chi phí đầu tư không cao như các loại cây trồng khác.

Sau khi biết anh có giống dừa siêu trái này, nhiều người đã tìm về xứ Cù Lao Dung đặt mua dừa giống, nên sau này anh chuyển sang ươm bán giống.

Từ 2 cây dừa ban đầu, nay anh Liên có 150 cây dừa cho trái, thu nhập trên nửa tỉ đồng một năm.

Hiện, anh Liên bán tại vườn mỗi cây giống là 60.000 đồn, nhiều khách hàng đã trả tiền trước, đặt mua cách đây cả năm nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Theo ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Huyện xác định cây dừa có triển vọng phát triển lâu dài với người dân địa phương.

Đây là giống dừa cho năng suất, chất lượng cao.

Vì thế huyện đang khuyến khích người dân trồng dừa xen với vườn cây ăn trái để tạo thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Đồng thời, huyện cũng chú trọng phát triển cây dừa cũng như vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch của địa phương. Cây dừa đã hình thành, phát triển lâu đời ở Cù Lao Dung, là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.


Nguồn: Báo CAND