Mô hình kinh doanh là yếu tố đầu tiên quyết định 'thành-bại' của các startup địa phương

Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các startup tại địa phương hiện nay vẫn còn hoạt động theo mô hình kinh doanh truyền thống, đó là chưa kể đến hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ở hầu hết các địa phương còn rất yếu.

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng đề án 844 phát biểu tại hội thảo

Đây là những thông tin được nêu ra tại hội thảo “Hội tụ nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương”, do Văn phòng đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (đề án 844) vừa tổ chức.

Tại hội thảo, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng đề án 844 cho biết hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp đánh giá tình hình sinh thái tại các địa phương từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp cho tiến trình phát triển tại các tỉnh thành phố với mong muốn hỗ trợ hơn nữa cho các địa phương. Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã có những sẻ kinh nghiệm về cách làm, cách thức để triển khai công việc cho một đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, huy động các nguồn lực quốc tế để triển khai vườn ươm hay việc tận dụng kết nối mạng lưới chuyên gia.

Nhận định về cách thức phát triển mô hình vườn ươm khởi nghiệp chuyên nghiệp tại địa phương, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc chương trình ươm tạo Vietnam Silicon Valley cho biết: “Mô hình kinh doanh còn quan trọng hơn đặc biệt là ở các địa phương”. Ông Huy cho rằng vấn đề mà các startup địa phương gặp phải đó là đã có sản phẩm rồi nhưng mô hình kinh doanh lại đi theo mô hình của doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống. Đây là tình trạng gặp phải của hầu hết các startup tại nhiều tỉnh, thành phố. “Do đó, việc thay đổi mô hình kinh doanh phải là nhân tố đầu tiên và là yếu tố quan trọng”, ông Huy cho hay.

Theo chia sẻ, Chương trình ươm tạo Vietnam Silicon Valley hoạt động từ năm 2014 và đến nay đã có 80 dự án đã được đầu tư với tỷ lệ thành công khoảng 30%. Ông Huy cũng cho rằng, các địa phương nếu có tìm ra được mô hình hợp lý thì cũng có thể dễ dàng có các quỹ đầu tư cho startup ở các giai đoạn sớm hoặc giai đoạn trưởng thành.

Ông Phạm Ngọc Huy cũng cho rằng việc tìm kiếm được người đồng hành cùng dự án, hỗ trợ các dự án startup từ đầu đến cuối có vai trò quan trọng. Ngoài ra, hành trình của các startup có thể thành công được hay không ngoài các cố vấn cũng cần đến các đối tác. Khi các startup địa phương muốn phát triển thì có thể kết nối với các doanh nghiệp địa phương sẽ có nguồn lực tốt hơn và có thể đi nhanh hơn trong việc mở rộng thị trường của mình. “Nếu có các cố vấn chuyên môn những người có kinh nghiệm trong xã hội để kết nối với các đối tác lớn thì các st sẽ có cơ hội lớn hơn, rõ ràng hơn”, ông Huy nói.

Trong khi đó, với nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ các startup tại Đà Nẵng, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Vườn ươm Sông Hàn cho rằng các địa phương không thể hỗ trợ cho các startup khi chưa có nguồn lực. “Nếu 1 địa phương mà nguồn lực chưa kết nối được, chính sách chưa có và cũng không có vốn thì không thể hỗ trợ các startup trong giai đoạn đầu”, ông Quân nói.

Theo đánh giá của chuyên gia này: “Hầu hết hệ sinh thái ở các địa phương rất yếu. Nếu không có chủ trong chỉ đạo từ trên xuống thì rất khó cho các địa phương triển khai”. Do đó, ông Quân cho rằng để có hệ sinh thái tốt thì các địa phương phải hình thành được các kết nối nguồn lực, kết nối mạng lưới, kết nối chức năng và có nhiều chuyên gia tư vấn cách thức giải quyết vấn đề. Ông Quân cũng dẫn chứng về thành công của Đà Nẵng trong việc ủng hộ cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông Lý Đình Quân cũng cho hay: “Tùy theo các địa phương mà cần có chiến lược khác nhau. Những tỉnh nào có nguồn lực, tầm nhìn lớn thì nên đưa các chính sách, triển khai ngay để có thể tạo sự đột phá cho hệ sinh thái địa phương”.

Về hoạt động của các vườn ươm ở địa phương, ông Quân cho rằng:“Trong đổi mới sáng tạo đặc biệt là đổi mới sáng tạo về công nghệ thì chuyên gia là số 1, quỹ đầu tư là số 2. Đây là 2 trụ cột trong hoạt động của vườn ươm”.


Nguồn: Báo DĐDN