Mặc cho những bất cập như thiếu kết nối xã hội, khó tách biệt thời gian cho đời tư và công việc, Gen Z vẫn chuộng làm việc tại nhà thay vì dành thời gian trên văn phòng.
Dù đã 2 lần chuyển chỗ làm, Shannon Chin (22 tuổi) vẫn tiếp tục làm việc từ xa tại nhà ở Toronto (Canada). Một năm rưỡi qua, cô không lên văn phòng và chưa từng gặp mặt đồng nghiệp.
"Chúng tôi luôn tắt camera khi họp, nên không biết đồng nghiệp trông như thế nào. Tôi chưa từng gặp họ ngoài đời cho đến tháng 12 năm ngoái", cô kể.
Theo Wall Street Journal, nhiều lao động thuộc Gen Z chưa từng đến văn phòng vì đại dịch trong 2 năm qua.
Trong khi phần lớn đã quen thuộc và ưa chuộng hình thức làm việc này, vài chuyên gia lại cho rằng nó có thể tác động tiêu cực lên cuộc sống và sự nghiệp của giới trẻ trong tương lai.
Hơn một năm rưỡi qua, Shannon Chin chưa từng đến văn phòng hay gặp mặt đồng nghiệp ngoài đời thực.
Thiệt thòi
Dự báo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết người sinh từ năm 1995 đến năm 2016 sẽ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động ở xứ cờ hoa vào năm 2030. Đáng chú ý là phần lớn đều không muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
Khảo sát được thực hiện vào mùa thu năm 2020 bởi hai tiến sĩ Santor Nishizaki và James DellaNeve cho thấy 69% Gen Z muốn làm việc từ xa ít nhất 1/2 thời gian.
Nishizaki và DellaNeve đang viết cuốn sách về Gen Z và lực lượng lao động tương lai. Họ cho rằng gần 50% người trả lời đã rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm khi làm việc tại nhà, dù ưa chuộng hình thức này.
"Gen Z là nhóm có ít tương tác thực tế nhất vì dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính", ông Nishizaki nói.
Dù chuộng hình thức làm việc tại nhà, nhiều Gen Z phải trải qua tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm vì áp lực và thiếu kết nối.
Còn theo Jeffrey Arnett, giáo sư Tâm lý học tại ĐH Clark (Mỹ), môi trường công sở có thể giúp người trẻ kết nối thêm các mối quan hệ xã hội như cấp trên - dưới, đối tác, đồng nghiệp.
Elizabeth Mooneyham (21 tuổi) nói với Wall Street Journal rằng cô dễ thấy cô đơn khi làm việc ở nhà. Cô vừa tốt nghiệp đại học, sống một mình tại căn hộ cách chỗ làm khoảng một giờ lái xe.
"Tôi gặp khó khăn khi làm quen, giao tiếp với đồng nghiệp qua Internet. Tôi có thể bị cô lập nếu không chủ động kết nối", cô nói.
Một điều thiệt thòi nữa khi giới trẻ lựa chọn không tới văn phòng là thiếu cơ hội xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Johnny C. Taylor Jr. nhận xét.
Hơn thế, tiến sĩ Nishizaki và DellaNeve còn chỉ ra khả năng cao gặp khủng hoảng sự nghiệp của Gen Z. Do ít kinh nghiệm làm việc, va chạm thực tế, họ có thể mắc hội chứng "kẻ mạo danh".
Mooneyham cảm thấy cô đơn khi đi làm vì thiếu kết nối với các đồng nghiệp.
Francis Zierer (27 tuổi), nhân viên marketing của một công ty phần mềm ở New York (Mỹ), đôi khi có cảm giác công việc của mình "không có thực".
"Như nhiều nhân viên làm việc từ xa khác, tôi từng trải qua cảm giác FOMO. Tôi tưởng như mình đang lạc trong một trò chơi điện tử, nơi mọi thứ - từ sếp, đồng nghiệp, cho đến những thứ tôi làm hàng ngày - đều không có thật", anh nói.
Gần đây, Zierer đã có cơ hội gặp gỡ một vài đồng nghiệp tại một không gian làm việc chung ở Manhattan (Mỹ). Quá hào hứng, anh đã đến sớm, chụp ảnh selfie, tìm chỗ ngồi thoải mái và tham gia cuộc họp.
"Nó đem lại cho tôi cảm giác mình đang 'đi làm', có thêm động lực", anh nói.
Vẫn chuộng làm việc từ xa
Tuy nhiên, nhiều lao động trẻ vẫn chuộng hình thức làm việc tại nhà.
Dù cô đơn, Mooneyham vẫn chọn không lên văn phòng để có thể xử lý mọi thứ từ bất cứ đâu. Điều này giúp cô có thể về thăm nhà ở phía bắc bang Alabama thường xuyên mà không cần xin nghỉ phép.
Cô thấy thoải mái khi họp, phản hồi về hiệu suất công việc với quản lý và các đồng nghiệp qua Zoom.
Mặc cho những bất cập kể trên, phần lớn người trẻ vẫn không muốn làm việc toàn thời gian ở văn phòng vì muốn linh hoạt về địa điểm, thời gian dành cho công việc. Ảnh: Entrepreneur.
Mooneyham đang cân nhắc chuyển về sống ở gần công ty hơn để dễ dàng gặp gỡ đồng nghiệp, song khẳng định không muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
"Nếu đi làm là phải có mặt ở văn phòng, ăn mặc chỉn chu, ngồi trước máy tính suốt hàng giờ thì tôi thấy không phù hợp với mình lắm. Với thế hệ Millennials và Gen Z, chúng tôi có tâm lý 'làm việc để sống' chứ không phải 'sống để làm việc'", nữ nhân viên này nói.
Tsedal Neeley, giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard và cũng là tác giả của một cuốn sách về làm việc từ xa, tin rằng các công ty nên tìm giải pháp động viên nhân viên trẻ.
Bà cho biết lao động thuộc Gen Z chưa có nhiều kinh nghiệm, mong muốn tìm cảm giác hòa nhập với bất kỳ hình thức làm việc nào.
"Nếu không có cảm giác kết nối, người trẻ chẳng còn mong muốn gắn bó với công ty và sẽ nhanh chóng rời đi", giáo sư Neeley nói.
Một số công ty đang tạo điều kiện cho phép nhân viên có thể linh hoạt về hình thức làm việc. Ảnh: New York Times.
Theo khảo sát của Bankrate trên hơn 2.000 nhân viên vào tháng 7/2021, hơn 50% người Mỹ đã lên kế hoạch tìm công việc mới.
Trong số đó, lượng lao động thuộc Gen Z nhiều gấp đôi so với thế hệ Boomers và Millennials.
Shannon Chin chia sẻ rằng khi làm việc tại nhà, đôi lúc cô gặp khó khăn khi "ghi điểm" với cấp trên trong các cuộc họp online, phải làm việc từ 10h tới 2h vì đánh mất cảm giác tách biệt giữa cuộc sống cá nhân và công việc.
Tuy nhiên, cô vẫn lựa chọn không lên văn phòng để có thể chủ động sắp xếp thời gian cho những dự định cá nhân.
"Tôi muốn nhân viên trẻ được lựa chọn hình thức làm việc phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ, miễn là hoàn thành tốt công việc được giao", cô nói.
Nguồn: https://zingnews.vn/mot-the-he-chua-tung-gap-mat-dong-nghiep-post1297632.html