Mua lại Auchan: Cơ hội lớn cho Saigon Co.op

Chuỗi bán lẻ Auchan có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2015. Ảnh: Đức Thanh

Auchan thoát khỏi gánh nặng

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới. Sau nhiều đồn đoán, Saigon Co.op đã đạt thỏa thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng đã đóng cửa và 3 cửa hàng đang hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020). Sau thời gian này, hai bên sẽ cùng bàn thảo lại.

Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý. Các thành viên của Auchan sẽ được chuyển đổi sang thành viên của Saigon Co.op theo nguyện vọng.

Sau khi tiếp nhận 18 siêu thị của Auchan, bên mua sẽ khai trương mới các điểm bán này dưới dạng siêu thị Co.opmart, Co.optra, Finelife. Trong 18 siêu thị Auchan đang quản lý, đến cuối năm nay, Saigon Co.op sẽ sắp xếp lại và một số sẽ đóng cửa hẳn.

Hồi tháng 5/2019, dù chưa đàm phán chuyển nhượng xong, Auchan vẫn quyết định đóng cửa hầu hết siêu thị của mình. Lúc đó, Giám đốc truyền thông của Auchan Việt Nam cho biết, quyết định đóng cửa 15 siêu thị của Ban giám đốc Auchan Việt Nam được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh phần lớn kinh doanh thua lỗ. Nếu duy trì hoạt động tới khi đàm phán xong việc bán lại, với thời gian có thể kéo dài vài tháng, thì Auchan sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí và lún sâu trong thua lỗ.

Thương vụ thanh lý hàng tồn êm thấm

Khi rút khỏi thị trường Việt Nam, Auchan sẽ gặp phải các vấn đề như mặt bằng thuê lâu, tiền cọc cao, chi phí ký quỹ với các bên thuê. Đặc biệt, việc trả mặt bằng là vi phạm hợp đồng.

Hiện các siêu thị của tập đoàn này chủ yếu nằm trong chung cư với quy mô nhỏ hoặc vừa, phục vụ các mặt hàng thiết yếu. Đây là mảnh ghép có thể dùng cho mô hình nhỏ gọn, mini mà Saigon Co.op đang phát triển, đặc biệt là ở cơ hội mở rộng chuỗi siêu thị ở Hà Nội, khi nhà bán lẻ này mới có một siêu thị ở Hà Đông.

Trong thương vụ này, Saigon Co.op không chỉ lợi về mặt bằng, mà còn lợi nhiều cái khác, như kế thừa hàng hóa giá rẻ, không mất công tìm mặt bằng, mở rộng được chuỗi, tăng giá trị truyền thông...

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng nhìn vào giao dịch, giới chuyên môn cho rằng, đây không hẳn là thương vụ M&A đầu tư để bán, mà “tháo chạy” khỏi thị trường, mang tính thanh lý hàng tồn, nên chắc chắn mức giá thấp.

Nếu Auchan xây dựng chuỗi để bán, thì Saigon Co.op không đủ sức để mua. Hơn nữa, vì là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, Saigon Co.op không dễ tham gia một thương vụ M&A.

4 năm trước, nhà bán lẻ này cũng chạy nước rút trong cuộc đua mua lại hệ thống Big C Việt Nam từ tay Casino (Pháp). Thời điểm đó, dù trả giá không kém đối tác ngoại, nhưng Saigon Co.op vẫn bị “đánh trượt”.

Đại diện Saigon Co.op lúc đó cho rằng, có nhiều yếu tố quyết định việc lựa chọn người thắng trong bất kỳ thương vụ mua bán nào. Ngoài giá - yếu tố thường mang tính “chốt hạ”, thì trong thương vụ Big C Việt Nam, Casino Group còn đặt ra 2 yếu tố khác với đối tác mua.

Trước tiên, về năng lực, doanh nghiệp nước ngoài phải lựa chọn đơn vị mua có đủ sức vận hành hệ thống để không ảnh hưởng đến thương hiệu của họ.

Thứ hai, về thanh toán, thủ tục pháp lý, vận chuyển, doanh nghiệp nước ngoài đưa ra những điều kiện khiến Saigon Co.op rơi vào thế khó và không thực hiện được. Đây chính là lý do khiến Saigon Co.op, dù trả giá không kém đối tác ngoại, nhưng vẫn thất bại trong thương vụ này.

Với thương vụ Auchan Việt Nam, giới chuyên môn cho rằng, Saigon Co.op có hiệu ứng về mặt thương hiệu và thị trường tốt hơn. Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nhận chuyển nhượng một nhà bán lẻ ngoại. Đặc biệt, sau thương vụ này, hai nhà bán lẻ cũng sẵn sàng thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.

Tập đoàn bán lẻ Auchan Retail (Pháp) vào Việt Nam năm 2015, có mặt tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh. Giữa tháng 5/2019, Auchan bất ngờ quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam, rút khỏi thị trường. Tính đến nay, chuỗi bán lẻ này có 1.000 nhân viên tại Việt Nam. Từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam, nhưng kết quả kinh doanh của Auchan không nổi bật, chỉ đạt 45 triệu euro doanh thu năm 2018 và lâm vào cảnh thua lỗ.

Auchan là đại diện bán lẻ châu Âu cuối cùng rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.

Nguồn: Báo Đầu Tư