Muốn thành công, người khởi nghiệp chớ ngại nói 'Không'

Nghệ thuật nói không là một trong những bí quyết để kinh doanh thành công. Đó là lời khuyên của Tim Denning - một trong những nhà tư vấn kinh doanh và phát triển cá nhân hàng đầu nước Mỹ. Ông từng tư vấn cho hàng loạt công ty công nghệ tầm cỡ thế giới, viết bài cho tạp chí Entrepreneur và trang Addicted2Success. Dưới đây là nội dung bài viết của ông trên tạp chí Entrepreneur.

Kinh doanh không phải là hoạt động quá khó hay phức tạp. Trên thực tế, một điểm chung mà tôi thấy ở những cá nhân cực kỳ thành công là họ có khả năng tận dụng từ “không”. Đó là một từ đơn giản, nhưng có quyền năng rất lớn.

Doanh nhân nên nói "Không" nếu họ cảm thấy không đủ khả năng thực hiện tốt yêu cầu của đối tác, khách hàng. Ảnh: bphpope.com

Để nói “không” trong kinh doanh, trước hết bạn phải tin vào mục tiêu hay tầm nhìn mà bạn theo đuổi. Khi bạn nói “Không”, bạn sẽ chỉ tập trung sức lực và sự tập trung vào những việc đúng mà bạn đã vạch ra.

Đương nhiên, nói “Không” chẳng bao giờ là việc dễ dàng. Khi bạn không chắc chắn, hãy nói “Không”. Thay vì nói “Được” với mọi cơ hội kinh doanh và hứng chịu kết quả thảm hại, doanh nhân hãy từ chối một cách quyết liệt trước khi nhìn thấy cơ hội có thể giúp bạn thành công chắc chắn.

Mọi doanh nhân chỉ cần một cơ hội để bắt đầu thành công. Vì thế, đừng lo ngại nếu bạn phải lắc đầu hàng trăm lần trước khi thấy cơ hội thực sự.

Từ chối để không gây họa cho người khác và chuốc phiền muộn vào thân

Mọi người đều ngập ngừng khi nói “Không”. Hãy thốt ra từ đó với sự tôn trọng người đối thoại và bạn sẽ không cảm thấy ngại nữa. Bạn đừng nghĩ rằng bạn sẽ khiến người đối thoại buồn hay thất vọng. Trên thực tế, bạn không làm họ thất vọng, mà còn làm việc tốt cho họ? Vì sao ư? Vì bạn thừa nhận bạn không chắc chắn bạn có khả năng thực hiện yêu cầu của họ hay không. Với sự từ chối của bạn, họ sẽ tránh được một kết cục tồi tệ.

Giả sử bạn đồng ý với đề nghị của người khác và thực hiện công việc với kết quả tệ hại, đó sẽ là một tội ác với khách hàng. Nếu bạn nói không ngay từ đầu, tổn thất sẽ không xảy ra.

Nếu bạn thường xuyên tự hỏi bản thân rằng tại sao bạn không có thời gian để chăm sóc gia đình hay tận hưởng cuộc sống ngoài công việc, có lẽ nguyên nhân là việc bạn nói “Có” quá nhiều. Mỗi lần bạn nói “Có”, áp lực tăng lên trong khi thời gian dự trữ của bạn giảm. Khi còn quá ít thời gian và quá nhiều áp lực, bạn sẽ không thể làm hài lòng bất kỳ ai. Kết cục mà bạn hứng chịu là khiến mọi người thất vọng và thất hứa liên miên.

Chúng ta nên khước từ thế nào cho hợp lý?

Bạn nên nói sự thật. Trong quá trình giải thích lý do khiến bạn khước từ, hãy tỏ chân thành thật. Sự chân thành sẽ giúp chúng ta không cảm thấy áy náy khi từ chối người khác. Nó cũng đảm bảo rằng cơ hội sẽ tiếp tục đến với bạn, bởi người khác sẽ không ghét hay “phớt” bạn nếu bạn từ chối với thái độ trung thực.

Ngoài ra bạn nên trả lời sớm. Nếu để người khác chờ quá lâu trước khi họ nghe bạn nói “Không”, những rắc rối có thể phát sinh. Nếu buộc phải khước từ, bạn nên trả lời càng sớm càng tốt. Trong kinh doanh, cơ hội của người khác có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vì thế, bạn nên tôn trọng cơ hội của họ. Bạn nói “Không” càng sớm thì mối bận tâm của bạn đối với đề nghị của người khác chấm dứt càng nhanh.

Song chúng ta cũng có thể nghĩ tới lựa chọn khác. Nếu bạn biết một giải pháp khác để thực hiện yêu cầu của khách hàng hay đối tác, hãy đề xuất “phương án thay thế”. Nếu phương án của bạn hiệu quả hoặc hợp lý hơn, có thể họ sẽ đồng ý.

Để tạo ấn tượng tốt với khách hàng hay đối tác sau khi khước từ họ, doanh nhân không chỉ cần tỏ ra chân thành, mà còn nên khen, khuyến khích hoặc nêu ra những ý tưởng hay để họ tham khảo. Bằng cách đó, bạn sẽ khiến người khác cảm thấy họ thu được chút lợi ích từ cuộc nói chuyện với bạn. Cảm giác đó của họ có thể mang tới cơ hội cho bạn trong tương lai.

Nói "Không" thường xuyên là việc cần thiết của start-up

Những người đang khởi nghiệp cần hiểu các nguồn lực của họ không dồi dào. Vì thế, họ cần nói “Không” với phần lớn đề xuất, yêu cầu, gợi ý từ đối tác, khách hàng.

Mục tiêu của mọi doanh nghiệp mới nên là tìm ra thị trường ngách để khai thác. Như vậy, họ không cần phát triển kinh doanh theo chiều rộng, mà nên tìm ngách hẹp để đi sâu. Như vậy, doanh nhân khởi nghiệp cần đầu tư mọi nguồn lực vào một, hai hoặc ba yếu tố mà thôi. Nếu đồng ý quá thường xuyên, bạn sẽ phải phân bố nguồn lực một cách dàn trải và cơ hội thành công của doanh nghiệp sẽ trở nên mong manh. Ngoài ra, tình trạng dàn trải nguồn lực khiến doanh nghiệp không thể phát triển theo chiều sâu trong thị trường ngách họ đã chọn.

Tập trung trong kinh doanh là một trong những bí quyết để thành công. Những câu nói “Không” sẽ mang tới sự tập trung cần thiết. Bạn không thể đáp ứng yêu cầu của mọi người nên hãy tích cực nói “Không”. Kinh doanh không phải là cuộc thi sắc đẹp nên doanh nhân không phải cố làm hài lòng mọi người. Kinh doanh giống như cuộc đua marathon nên bạn phải đầu tư mọi thứ bạn có một cách tập trung. Nếu ngại nói “Không”, doanh nhân hãy nhớ lý do khiến bạn khởi nghiệp.


Nguồn: Báo DĐDN