Nam sinh trường Báo khởi nghiệp khi đang là học sinh cấp 3

Đức may mắn biết tới quay phim khoảng 3 năm về trước, khi còn là học sinh cấp 3 thì hướng đi của cậu là làm Designer/Photographer, nhưng sau đó nhờ nhận được sự tư vấn từ một người anh đi trước nên Đức quyết định chuyển hướng sang quay phim. Đức cho rằng: "Một khung ảnh không đủ để truyền tải nhiều nội dung nhưng những thước phim thì có thể. "

Không chỉ làm mỗi nghề quay phim nói riêng hay hình ảnh nói chung mà bên cạnh đó Đức đã và đang làm việc ở mảng kinh doanh lẫn marketing. Duy Đức từng là Cộng tác viên truyền thông cho chương trình “Trường Teen” – VTV7, Marketing tại EduSpace-CoLearning/Edumet, Content Creator/Creative tại Sowat.vn, Marketing tại Phố Cổ Barbershop, Videographer – Monsoon Music Festival 2019. Bên cạnh đó thì Đức đã từng cộng tác với khoảng 15 doanh nghiệp trên các lĩnh vực: Beauty, Giáo dục, Khởi nghiệp,… Ngoài ra, cậu cũng đạt giải 3 tại Cuộc thi khởi nghiệp NEUrON với dự án Solve-X.

Hiện nay, Đức đang là Nhà đồng sáng lập của Công ty Truyền thông Hi2High Creative Agency và Nhà sáng tạo tại Công ty Hair Zone.

Hi2High là Công ty chuyên về các dịch vụ tư vấn, xây dựng và chăm sóc thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng và quản lý chiến lược phát triển truyền thông cũng như sản xuất sản phẩm truyền thông sáng tạo.

Nói về những khó khăn ngày đầu khởi nghiệp, Đức chia sẻ trong suốt quá trình 3 năm đi làm thì đó là nguyên cả một quá trình mà cậu đánh đổi bằng thời gian, tiền bạc, mồ hôi nước mắt thậm chí là cả máu. Đó là những lần bị chấn thương, tai nạn trong lúc tác nghiệp.

Thuở mới vào nghề, khó khăn lớn nhất của Đức là việc thu nạp thêm kiến thức và không có kinh phí để tự thực hành khi học được một thứ gì đó mới mẻ. Thứ hai, về vấn đề khách hàng, thường họ thấy cậu ít tuổi nên không tin tưởng hoặc sẽ trả cho Đức một cái giá rất thấp nhưng Đức chẳng từ chối một công việc nào. Thêm nữa, Đức phải đấu tranh giữa việc đi chơi hay đi làm, vì lẽ ra độ tuổi 17-18 đa số mọi người sẽ vừa học, vừa chơi thay vì vừa học, vừa làm nhưng vì quá nghiện chiếc máy ảnh nên quãng thời gian đi chơi của Đức chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng trên tất cả đó là khó khăn về tinh thần, là những cảm xúc tiêu cực. Trên thương trường Đức không cô độc, luôn có những người bạn, anh em ở bên thế nhưng khi về tới nhà thì Duy Đức lại cô đơn. Có những chuyện mà Đức không thể kể ra hay chia sẻ với bất kì ai. Hoặc nếu có kể thì Đức sẽ nhận lại những câu nói khó nghe, họ không tin vào những gì mà Đức có thể làm.

Đức tự nhận mình là một người sống khá cảm xúc, thời gian đầu khi nhận được những lời nói khó nghe, Đức đã đón nhận bằng thái độ rất tiêu cực. Có một người bạn đã nói với Đức rằng “It is what it is” (Cái gì như thế nó vẫn là như thế). Đây là câu nói góp phần làm hoàn thiện quá trình thay đổi Đức. Dần dần, Đức đã lờ đi, không còn quá để tâm vào những câu chuyện người khác nói về mình, thay vì phản ứng với những điều tiêu cực thì Đức chọn cách vượt qua nó và tích cực hơn.

Đức hay nói vui với mọi người “học nhiều vào, học cho đầu to cũng được vì khi thời cơ và cơ hội đến, nếu lúc đó bạn có đủ năng lực, đủ khả năng thì bạn mới có thể nắm bắt được đó. Cơ hội nó đến bất thình lình, đâu ai biết được nó tới lúc nào, mình được rất nhiều người giúp đỡ đó cũng là may mắn mà mình không biết trước được. Thế nên là mình nghĩ tận dụng mọi thời gian để học là cách bạn tiến gần tới cơ hội nhất.”

Câu nói mà Đức rất thích và là kim chỉ nam cho cách sống của cậu đó là: “To get what you want you have to derserve what you want - Charlie Munger. Bạn muốn cái gì, bạn phải xứng đáng với cái đó đã, bạn không thể là 1 người không thể kiếm nổi 1 triệu nhưng lại muốn dùng cái điện thoại 10 triệu. Đúng không nào?"


Nguồn: Báo