Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật điện nằm trong số các chuyên môn được 5 công ty giàu mạnh nhất thế giới tìm kiếm.
Theo trang thống kê Statista, 5 công ty giàu nhất thế giới hiện nay là Apple, Microsoft, Saudi Aramco, Alphabet và Amazon. Đây đều là những gã khổng lồ về công nghệ, kinh doanh và kỹ thuật, có nguồn lực tài chính và ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.
Được làm việc tại các công ty này là ước mơ của nhiều người. Sự cạnh tranh gay gắt và quy trình tuyển dụng khắt khe đòi hỏi ứng viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững chắc.
Dưới đây là 5 công ty giàu nhất thế giới theo số vốn hóa, cùng những ngành mà họ quan tâm khi tìm kiếm nhân lực.
1. Apple (2,7 nghìn tỷ USD)
Apple là công ty công nghệ toàn cầu, nổi tiếng vì các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến công nghệ. Các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng hay các dịch vụ như phát trực tuyến, dịch vụ đám mây và thanh toán của Apple đều được sử dụng rộng rãi. Khoảng 1,36 tỷ người đang sở hữu iPhone trên toàn thế giới.
Độ nổi tiếng của thương hiệu khiến cuộc đua vào Apple rất khốc liệt. Chỉ 3% các ứng viên nộp đơn được tuyển vào công ty.
Để tăng khả năng được tuyển dụng, ứng viên vào Apple nên theo học Khoa học Máy tính. Tấm bằng cử nhân ngành này là minh chứng, cho thấy ứng viên có kiến thức kỹ thuật máy tính và kỹ năng phát triển máy tính, mạng và phần mềm. Một kỹ sư phần mềm của Apple kiếm được từ 140.000-190.000 USD (3,3-4,5 tỷ đồng) mỗi năm.
Sở hữu bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) cũng giúp ứng viên tăng cơ hội làm việc tại Apple. Một nhà phân tích kinh doanh tiếp thị tại Apple kiếm được trung bình 90.000-160.000 USD (2,1-3,8 tỷ đồng) mỗi năm.
2. Microsoft (2,3 nghìn tỷ USD)
Microsoft là tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ. Tập đoàn này chuyên phát triển và cấp phép phần mềm, thiết bị, giải pháp và dịch vụ công nghệ trên toàn thế giới.
75% máy tính trên toàn cầu đang chạy trên hệ điều hành Windows của Microsoft. Phần mềm Office 365 hiện cũng được hơn 2,5 triệu công ty sử dụng.
Các ứng viên có thể tìm cơ hội làm việc tại Microsoft trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ phần mềm, quản lý sản phẩm, thiết kế, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu,...
Do cạnh tranh gay gắt và quá trình tuyển dụng có nhiều vòng, tỷ lệ đỗ vào Microsoft chỉ dưới 2%. Ứng viên sẽ có nhiều lợi thế nếu sở hữu các kỹ năng lập trình, thiết kế và phát triển phần mềm. Một tấm bằng cử nhân hoặc thạc sĩ trong lĩnh vực khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính hoặc kỹ thuật phần mềm sẽ là minh chứng cho những kỹ năng đó.
Khi đã vượt qua tất cả các vòng tuyển dụng, các nhân viên tại Microsoft được hưởng mức lương cạnh tranh. Một chuyên viên phát triển phần mềm, nhà khoa học dữ liệu hay kỹ sư phần mềm của tập đoàn này có thể kiếm được 100.000-130.000 đô (2,4-3,1 tỷ đồng) hàng năm.
3. Saudi Aramco (2,1 nghìn tỷ USD)
Saudi Aramco là công ty dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước. Saudi Aramco có trữ lượng dầu thô lớn thứ hai thế giới và sản lượng dầu hàng ngày lớn nhất trong tất cả các công ty sản xuất dầu.
Hoạt động của công ty trải dài trên nhiều mảng của ngành năng lượng, như khai thác, sản xuất, phân phối dầu thô và khí tự nhiên. Tính chất của công việc đòi hỏi nhiều kiến thức liên quan tới nghiên cứu địa-vật lý, cơ khí, hóa học và điện.
Những người sở hữu bằng cấp và kinh nghiệm trong ngành kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện sẽ có cơ hội được tuyển dụng nhiều hơn.
Saudi Aramco thường tìm kiếm những ứng viên có khoảng 5 đến 10 năm kinh nghiệm liên quan. Kỹ sư hóa học và kỹ sư nhiên liệu tại công ty này có thể kiếm được 125.000-150.000 USD (2,9-3,5 tỷ đồng) một năm.
4. Alphabet (1,3 nghìn tỷ đô)
Alphabet là công ty mẹ của Google, công cụ tìm kiếm thống trị thị trường toàn cầu. Công ty có nhiều sản phẩm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số, bao gồm hệ điều hành điện thoại thông minh của Android, trình duyệt Google Chrome, Google Drive...
Alphabet cần nhiều tài năng có nền tảng vững chắc về lập trình, thuật toán, phát triển phần mềm cũng như phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Vì vậy, ứng viên vào Alphabet có nhiều khả năng cạnh tranh nếu sở hữu bằng cấp thuộc các ngành Khoa học máy tính, Phân tích dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo hoặc Máy học.
Ngoài ra, việc sở hữu một tấm bằng MBA cũng giúp tăng cơ hội cạnh tranh. Ứng viên có thể chứng tỏ mình có kiến thức kinh doanh, tư duy phản biện và phẩm chất lãnh đạo để đảm nhận vai trò tại công ty đa quốc gia này.
Alphabet chỉ chấp nhận một tỷ lệ rất nhỏ ứng viên (0.67%). Tuy nhiên, nếu vượt qua các bài kiểm tra tại đây, người được nhận sẽ hưởng mức lương trung bình 117.000 USD (gần 2,8 tỷ đồng) một năm cùng chính sách đãi ngộ tốt.
5. Amazon (1,1 nghìn tỷ đô)
Amazon là công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ. Công ty này tập trung vào thương mại điện tử, điện toán đám mây, quảng cáo trực tuyến, phát trực tuyến kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Trong số các sản phẩm của công ty, trang thương mại điện tử Amazon hiện là trang web về mua bán trực tuyến lớn nhất trên thế giới.
Amazon tìm kiếm những nhân tài có thể thiết kế sản phẩm tiêu dùng, tạo kế hoạch dự án chiến lược hay phát triển các ứng dụng tiên tiến dựa trên học máy và điện toán. Vì vậy, cử nhân đại học và thạc sĩ ngành kỹ thuật, nghiên cứu cũng như kinh doanh có lợi thế khi ứng tuyển vào các vị trí lương cao trong công ty này.
Tuy nhiên, chỉ dưới 2% ứng viên vượt qua vòng cuối cùng. Quá trình tuyển dụng tại đây có thể kéo dài đến 12 tháng.
Nếu trúng tuyển, một quản lý tiếp thị sản phẩm có thể kiếm được 90.000 USD (2,1 tỷ đồng), trong khi kỹ sư phần mềm được trả hơn 130.000 USD (3,1 tỷ đồng) một năm.
Nguồn: Vnexpress