Nông dân vùng cao giữ rừng , thu lợi 'kép'

Thay vì khai thác hàng trăm m3 gỗ có tuổi đời từ 10-20 năm, anh Nông Thanh Oai, 33 tuổi, ở xóm Nà Ka, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) chọn khai thác lợi thế dưới tán rừng, trồng một số giống cây dược liệu quý đồng thời giữ lại môi trường tự nhiên, không gian sinh thái trên diện tích 7ha rừng của gia đình. Mô hình này hứa hẹn sẽ thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm trong tương lai không xa.

Anh Nông Thanh Oai (người thứ ba từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm thực tế trồng cây khôi nhung dưới tán rừng với cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai - đơn vị tài trợ cây giống thực hiện mô hình.

Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên gần 10 năm trước, anh Nông Thanh Oai về công tác tại một đơn vị Nhà nước trên địa bàn huyện Võ Nhai. Một thời gian ngắn sau đó, anh quyết định nghỉ việc để theo đuổi ước mơ phát triển kinh tế từ đồi, rừng. Bằng kiến thức chuyên môn của cử nhân Khoa học cây trồng và kinh nghiệm học hỏi được tại một số mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, anh Oai quyết định giữ lại toàn bộ 7ha diện tích rừng với phần lớn là cây gỗ lớn tuổi đời 10-20 năm của gia đình ở xóm Nà Ka, xã Sảng Mộc để khai thác tiềm năng kinh tế dưới tán rừng. Anh chia sẻ: Nhiều người khuyên tôi xin cấp phép khai thác gỗ bán lấy vốn khởi nghiệp trồng rừng trên chính diện tích đó nhưng tôi muốn giữ lại môi trường, không gian sinh thái từ rừng.

Năm 2015, anh Oai bắt tay vào khởi nghiệp với khoảng 300 gốc cam Vinh trên một số diện tích đất rừng trống của gia đình. Thời gian đầu, để duy trì sinh hoạt và có thu nhập phát triển kinh tế đồi, rừng, anh Oai tăng gia trồng lúa, nuôi cá và nuôi hàng trăm con gà thả đồi. Những năm sau, nhận thấy cây cam Vinh sinh trưởng tốt, anh tiếp tục mở rộng diện tích với số lượng lên tới 1.000 gốc, đồng thời trồng thí điểm một số cây dược liệu dưới tán rừng như: Hà thủ ô, cát sâm, đinh lăng…

Đến năm 2020, diện tích cam Vinh lứa đầu tiên và một số cây dược liệu của anh Oai đã cho thu hoạch. Cùng năm đó, với cơ chế hỗ trợ giống, phân bón của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và UBND huyện Võ Nhai, anh Oai triển khai trồng 10.000 cây quế và 5.000 cây khôi nhung dưới tán rừng của gia đình. Hai cây trồng này cùng với các cây dược liệu anh đã trồng đều rất phù hợp với điều kiện tự nhiên mát mẻ, độ ẩm cao dưới tán rừng nên sinh trưởng tốt.

Với thời gian sinh trưởng ngắn, đầu năm 2021, 5.000 cây khôi nhung đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, với lợi nhuận đạt gần 10 triệu đồng. Tính đến nay, diện tích khôi nhung này dù chưa cho sản lượng tối đa nhưng đã đem về cho anh Oai 40 triệu đồng lợi nhuận sau 2 năm trồng. Đối với cây quế, gặp điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, hiện thân cây đã cao trên 2m. Với cây trồng này, anh Oai đang tiếp tục mở rộng diện tích và dự kiến sau 2 năm nữa, anh có thể bước đầu thu hoạch lá, cành nhỏ để chế biến làm tinh dầu quế.

Tính đến nay, anh Nông Thanh Oai đã phát triển được trên 5ha diện tích trồng cam Vinh và các cây dược liệu dưới tán rừng gồm: Quế, khôi nhung, hà thủ ô, ba kích, cát sâm và đinh lăng. Dù mới ở giai đoạn khởi đầu nhưng tính riêng năm 2021, anh Oai đã thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng từ các loại cây trồng kể trên. Nguồn thu nhập này giúp anh trang trải chi phí chăm sóc cây trồng và đầu tư giống cây dược liệu, mở rộng diện tích trồng các loại cây trên toàn bộ diện tích 7ha rừng của gia đình. Bên cạnh đó, dựa vào tán rừng, anh Oai cũng mới đầu tư thí điểm phục hồi nuôi theo hình thức bán chăn thả trên 200 con gà đen - giống gà đặc sản địa phương, có giá trị kinh tế cao đã mai một lâu nay.

Với mô hình kinh tế trồng cây dưới tán rừng kết hợp chăn nuôi thương phẩm, dự kiến trong khoảng 2-3 năm nữa, anh Oai sẽ có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Và khi phần lớn diện tích cây trồng cho khai thác sau 4-5 năm tiếp theo, anh Oai có thể đạt thu nhập tới 250 triệu đồng/năm từ nguồn thu các loại dược liệu, quả cam và thịt gà đen thương phẩm.

Nguồn: baothainguyen.vn