Nông nghiệp giải cứu

Ảnh minh họa/INT

Không chỉ ở Hải Dương - nơi phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch mà ngay tại các địa phương quanh Hà Nội dù không hề có dịch nhưng cũng đang chết dở, sống dở với các loại rau, củ quả và kêu giải cứu. Ở một đất nước mà các loại nông sản cũng như các sản phẩm từ ngành nông nghiệp luôn trong tình trạng phải nhờ “giải cứu” như thế thì quả thật khó để hóa rồng!

Vì sao phải giải cứu? Trả lời đơn giản là nông sản không bán được! Còn câu hỏi vì sao năm nay không bán được trong khi những năm khác lại bán chạy thì không dễ trả lời. Manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm… đó là điển hình của nền nông nghiệp nước ta. Năm nay thấy dưa bán có lời, thế là đổ xô vào trồng dưa, bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chức năng. Sang năm nhà nhà ngập tràn dưa, bán chả ai mua, trong khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc thì đóng sập cửa lại. Thế là dưa bỏ đầy ruộng.

Tương tự, “khoai lang Nhật” cũng vậy. Thấy trồng loại khoai lạ mắt này mang lại lợi nhuận cao, thế là cả một huyện miền núi tỉnh Gia Lai “ngập” khoai lang Nhật; một huyện ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng phủ sóng khoai Nhật. Thế là thừa rồi kêu gào… giải cứu. Năm 2018, ra chợ mua 2.000 đồng chỉ một trái ớt bằng đầu đũa nhưng năm sau, ớt bỏ đầy đường dọc sông Trà Bồng và Trà Khúc (Quảng Ngãi) hoặc để chín rũ ngoài đồng vì bán không ai mua! Dưa hay khoai lang hoặc bắp cải còn ăn ráng một vài ký chứ ớt thì không thể ăn thêm để “giải cứu” được.

Tại sao chúng ta không nghĩ ra một giải pháp khác, căn cơ hơn trong câu chuyện tiêu thụ nông sản? Câu hỏi này từng vang lên ở khắp các diễn đàn bàn về giải cứu nông sản nhưng rồi ai là người lĩnh xướng thì chịu. Ở phường 8, Đà Lạt có anh “Thạch rau”, mới khởi nghiệp rau chừng 3 năm nay, nghĩa là làm rau vào thời điểm ấy thuộc hạng “em út” nhưng chưa bao giờ doanh nghiệp rau của anh ấy kêu vì ế cả. Đơn giản là anh ấy thành lập một hợp tác xã, nông dân chỉ góp đất và “đầu quân” cho HTX của anh. Tất cả các sản phẩm của HTX phải được sự hướng dẫn tỉ mỉ của các kỹ sư, quy trình “ngon và sạch” được tiến hành nghiêm ngặt nên đầu ra không phải lo gì. Nghĩa là người làm rau chỉ việc lo sản xuất sao cho đạt năng suất như hướng dẫn, còn bán ở đâu thì không bận tâm, miễn là trên cùng một diện tích ấy, nếu làm tự do thì tiền thu về sẽ ít hơn rất nhiều so với vào hợp tác xã.

Kể ra điều trên đây để thấy rằng, muốn cho nền nông nghiệp không phải giải cứu chỉ còn một cách là sắp xếp lại một cách bài bản. Cần phải có một người lĩnh xướng và cầm chịch. Rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp, nhất là rau củ quả là điều khó tránh, song nếu biết cách tiêu thụ bằng những hình thức khác nhau thì cũng giải quyết được câu chuyện đầu ra mà không cần phải giải cứu. Lấy ví dụ như nếu ớt “bội thực” thì có một nhà máy chuyên sản xuất loại ớt bột theo đúng chuẩn xuất khẩu, chúng ta sẽ không phải bỏ thối hàng chục hecta ớt dọc sông Trà như năm nào. Hoặc như dưa hấu, nếu có một nhà máy sản xuất nước hoa quả từ dưa sẽ không phải cho bò ăn cả dưa thay cỏ như đã từng.

Khi nào thì hết giải cứu nông sản? Câu hỏi này bản thân người nông dân không thể trả lời được!

Nguồn GD&TĐ