Quảng Bình: Nuôi ốc hương thu tiền tỷ trên xứ gió Lào, cát trắng

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở khắp nơi, anh Nghĩa đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2009, anh đã mạnh dạn đấu thầu 8 nghìn m2 đất của địa phương ở vùng ven biển để đầu tư nuôi tôm.

Nuôi tôm trên cát như “đánh bạc với trời”, vụ được, vụ mất. Vòng quay vay nợ, trả nợ làm cho vợ chồng anh Nghĩa tái mặt mà cũng chẳng tích cóp được mấy đồng vốn. Đến năm 2017, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, anh Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi ốc hương.

Trang trại nuôi ốc hương của anh Nghĩa.

“Cũng là cái duyên”- anh Nghĩa mở đầu câu chuyện. Chuyện là khi đang bí về việc nên theo đuổi nghề tôm như đánh bạc hay không thì anh Nghĩa kết bạn được với thanh niên trẻ Nguyễn Bình Dương.

Dương là người đã từng có kinh nghiệm nuôi ốc hương cho các ông chủ ở các tỉnh phía Nam. Thấy vùng đất có tiềm năng nên Dương động viên anh Nghĩa chuyển nghề.

"Theo lý thuyết, ốc hương thả nuôi từ tháng 1 thì đến tháng 10 là cho thu hoạch. Tuy nhiên, vào tháng thứ 9 là thu hoạch được. Việc thu hoạch được lựa chọn những con ốc to (loại 70-80 con/kg) để bán. Loại bé hơn được nuôi tiếp. Khi bạn hàng hoặc thương lái có nhu cầu là mình bán”- anh Nghĩa cho biết.

Những ngày đầu thử nghiệm, với loại vật nuôi mới lạ, vợ chồng anh Nghĩa không khỏi lo lắng và gặp nhiều khó khăn. Ngoài những kinh nghiệm được Dương truyền lại, anh Nghĩa đã chịu khó tìm tòi, tham khảo kiến thức nuôi ốc hương qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Bình cũng đã tích cực hỗ trợ mô hình.

Nhờ đó, anh đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong các khâu xử lý ao hồ, gây tạo màu tảo, bảo đảm độ pH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước…

Giống nuôi được lấy từ các cơ sở chất lượng cao ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Từ lúc thả cho đến ốc hương trong vòng 3 tháng, thức ăn phải chọn các loại tôm tươi, sạch và bóc vỏ.

Sau nuôi được 3 tháng ngoài tôm tươi, còn phải bổ sung thêm các loại cá biển tươi. “Nếu sử dụng thức ăn như tôm, cá không tươi thì ốc sẽ sinh bệnh ngay”- anh Nghĩa cho hay.

Kiểm tra sinh trưởng của ốc.

Buổi sáng, khi chúng tôi đến trang trại, đã thấy anh Nghĩa xuất bán cho bạn hàng hơn 2 tạ ốc hương. “Giá mỗi kg là 350 ngàn đồng. Đó là giá trung bình thấp. Khi giá lên, có thể bán được từ 450-500 ngàn đồng/kg”- anh Nghĩa bộc bạch.

Hiện anh Nghĩa có 4 hồ nuôi. Mỗi hồ có diện tích 1.500m2. Qua 2 vụ, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao. Năm trước, sản lượng đạt 15 tấn, từ ốc hương cho lãi 1,5 tỷ đồng. “Năm nay, sản lượng và giá cả có ổn hơn nên số lãi chắc cũng có nhích lên chút”- anh Nghĩa cho biết thêm.

Ốc hương là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí mua giống khá lớn nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, đầu ra sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, bạn hàng của anh Nghĩa mới chỉ trong nước, phục vụ cho nhu cầu của các nhà hàng hướng đến khách hàng cao cấp.

Hiện nay, trang trại của anh Nghĩa tạo việc làm quanh năm cho 10 lao động. Hầu như mọi lao động đều được ăn, nghỉ tại chỗ và có thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Anh Phan Văn Nghĩa: “Loại này khi được giá có thể bán 500 ngàn đồng/kg”.

Anh Phạm Đình Dương, cán bộ kỹ thuật chia sẻ: “Trước đây, tôi phải bôn ba vào các tỉnh phía Nam làm thuê để kiếm sống với nghề nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng từ khi được cộng tác với anh Nghĩa làm ở đây, tôi vừa làm ở gần nhà, giúp đỡ phần nào cho gia đình, vừa có đồng lương ổn định. Ngoài ra còn có tiền thưởng nên anh em ai cũng phấn khởi và có trách nhiệm, gắn bó với công việc”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Bình: “Đây là dự án nuôi ốc hương đầu tiên của tỉnh được trung tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, một phần con giống và thức ăn. Mô hình thành công sẽ là điểm nhấn mở rộng cho những vùng ven biển có điều kiện tốt”.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi ốc hương, anh Nghĩa cho hay, thời tiết là vấn đề đáng quan tâm. Ốc hương thích nghi với tiết thu dịu mát. Nhưng ở Quảng Bình nắng mưa thất thường. Lúc thì quá nóng và kéo dài, khi thì quá lạnh đột ngột.

“Vậy nên cần điều tiết nước cho phù hợp. Điều này cần phải có kinh nghiệm chứ không phải ai cũng làm được”- anh Nghĩa nói.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi ốc hương, anh Nghĩa cho hay, thời tiết là vấn đề đáng quan tâm. Ốc hương thích nghi với tiết thu dịu mát. Nhưng ở Quảng Bình nắng mưa thất thường. Lúc thì quá nóng và kéo dài, khi thì quá lạnh đột ngột.

Đưa chúng tôi xem hồ nuôi ốc hương thương phẩm rồi anh Nghĩa chỉ tay về phía vùng đất sát bên. Định hướng tới là anh sẽ mở rộng thêm 4 hồ nữa để tăng sản lượng và thu nhập.

Chọn ốc đạt chuẩn để xuất bán.


Nguồn: Báo Doanh Nghiệp