Quý II năm nay, Samsung đạt lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 nhờ vào bán dẫn. Song ít ai biết rằng, gần 50 năm trước, quyết định sản xuất bán dẫn của hãng không hề được ủng hộ.
Bước ngoặt của Samsung
Trong cuộc khủng hoảng dầu khí thế giới những năm 1970, Samsung Electronics cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn về tài chính. Đây chính là lúc mà cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee tin rằng phải tiến vào ngành công nghiệp công nghệ cao. Dù vậy, ông đối mặt với sự hoài nghi từ ban lãnh đạo về quyết định tham gia thị trường bán dẫn. Trong số những người ấy có cả cha của ông, nhà sáng lập Samsung Lee Byung Cheol. Thời điểm đó, Samsung nổi tiếng với thực phẩm, dệt may, logistics và mới bắt đầu sản xuất tivi đen trắng trong nước.
Ông Lee Kun Hee lạc quan về tiềm năng của bán dẫn tới mức bỏ tiền túi mua 50% cổ phần trong Korea Semiconductor, công ty bán dẫn bị phá sản trong khi đang xây nhà máy mới. Ngày 6/12/1974, Samsung Electronics thâu tóm Korea Semiconductor. Như vậy, Samsung đã xuất phát muộn hơn các đối thủ Mỹ và Nhật Bản khoảng 27 năm.
E.S. Jung, Chủ tịch Giải pháp thiết bị điện tử Samsung, nhớ lại: “Họ đã thực hiện một quyết định vô cùng quan trọng dựa vào niềm tin rằng tương lai sẽ là thế giới công nghệ thông tin”. Ông là người giám sát hoạt động của các bộ phận Memory, System LSI và Foundry trong tập đoàn.
Samsung có bước ngoặt lớn khi "ôm" sản xuất bán dẫn. (Ảnh: Samsung)
Sản xuất bán dẫn khi không có công nghệ riêng vô cùng khó khăn, mọi vốn liếng đều đổ hết vào đây. Ngày 8/2/1983, ông Lee Byung Cheol quyết định kinh doanh bán dẫn tại Tokyo, Nhật Bản bất chấp những lời chế giễu “sản xuất bán dẫn thế nào nếu còn không biết cách sản xuất tivi”.
Ván bài của ông Lee đã được đền đáp. Năm 1992, Samsung trở thành công ty đầu tiên phát triển chip DRAM 64-bit, một linh kiện quan trọng trong máy tính cá nhân, vượt trước các đối thủ Nhật Bản. Hiện nay, Samsung 43,5% thị phần chip DRAM toàn cầu, 46% thị phần chip nhớ (memory chip) toàn cầu. So với TSMC, nhà thầu chip khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc), Samsung kinh nghiệm ít hơn nhưng có nhiều khách hàng lớn như Apple, Qualcomm.
Tháng 6 vừa qua, Samsung lại làm nên kỳ tích khi đánh bại TSMC để là công ty đầu tiên sản xuất thành công chip 3nm. Samsung cho biết quy trình chế tạo mới tiết kiệm điện hơn 45% so với quy trình 5nm trước đó, hiệu suất cao hơn 23% và diện tích bề mặt nhỏ hơn 16%.
Từ cứ điểm Buecheon, Gyeonggi-do năm 1974, gần 50 năm sau, Samsung đã mở rộng hoạt động bán dẫn sang Giheung, Hwaseong, Pyeongtaek, Onyang và Cheonan. Hơn 60.000 nhân viên giúp Samsung lập nhiều kỷ lục của thế giới. Không quá lời khi nói rằng những thành tựu của Samsung Electronics chính là lịch sử của ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc.
Không ngừng rót tiền đầu tư “khủng”
Theo các chuyên gia, bí quyết làm nên thành công của Samsung là tích cực đầu tư vào R&D. Ông Jung, người gia nhập Samsung từ năm 1985, chia sẻ, họ luôn đi trước để khi thị trường suy giảm vẫn có thể sản xuất. “Chúng tôi có thể duy trì trên điểm hòa vốn ngay cả khi các đối thủ khác thua lỗ”, ông nói.
Mới đây, Samsung công bố kế hoạch tăng ngân sách hơn 30% lên 450 nghìn tỷ won (360 tỷ USD) từ nay tới 2026 nhằm đẩy mạnh các mảng kinh doanh, từ chip đến dược phẩm, tạo ra 80.000 việc làm. Năm 2021, công ty cũng tiết lộ đầu tư 151 tỷ USD cho đến năm 2030 để nghiên cứu sâu hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Phần lớn số tiền này đổ vào bộ phận bán dẫn cạnh tranh với Intel, TSMC. Trong đó, 270 tỷ USD chi cho hoạt động trong nước, phần còn lại đầu tư ở nước ngoài. Samsung Electronics sẽ xây nhà máy chip 17 tỷ USD tại Texas (Mỹ). Theo ông Roh Tae Moon, CEO Samsung Electronics, công ty sẽ sản xuất đại trà bóng chip bán dẫn tại Thái Nguyên từ tháng 7/2023. Lưới bóng chíp là vật liệu kết nối giữa chíp bán dẫn và bo mạch chính để truyền tín hiệu điện và nguồn điện.
Samsung buộc phải đầu tư nếu muốn bắt kịp TSMC trên thị trường sản xuất bán dẫn. Gần đây, TSMC đã hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp Nhật Bản để xây nhà máy chip ở quần đảo này nhằm củng cố vị thế lãnh đạo của mình. TSMC nói sẽ chi 100 tỷ USD trong 3 năm tới xây 6 nhà máy chip tại Mỹ, đồng thời xây nhà máy 8,6 tỷ USD tại Kumamoto, Nhật Bản cùng với Sony và Denso.
Động thái của TSMC có thể làm lung lay vị trí của Samsung, vốn đang vật lộn với việc giữ chân khách hàng. Theo truyền thông, công ty chip Nvidia của Mỹ không dùng linh kiện Samsung trong GPU thế hệ mới năm nay. Như vậy, TSMC sẽ là nhà cung ứng duy nhất của hãng. Qualcomm cũng được cho là chuyển từ các nhà máy của Samsung sang TSMC để sản xuất chip Snapdragon 8.
Quay trở lại chip 3nm, dù đây là đột phá trong cuộc đua bán dẫn hiện đại, một câu hỏi khác được đặt ra: “Ai sẽ mua chip mới của Samsung”? Đây mới là vấn đề quan trọng. Cho đến nay, Samsung chưa tiết lộ khách hàng của dòng chip mới là ai. Thông cáo báo chí chỉ viết chip sẽ được ứng dụng trong các ứng dụng điện toán hiệu suất cao.
Theo nguồn tin của Nikkei, những người mua đầu tiên là thợ đào tiền số tại Trung Quốc. Nhưng xét tới thị trường tiền số sụt giảm mạnh thời gian qua, các khách hàng có thể không ổn định về lâu dài. Bộ phận bán dẫn của Samsung được cho là có vấn đề từ đầu năm 2021. Dù sản xuất số lượng lớn chip 5nm trong nửa sau năm 2020, công ty chưa thể tăng năng suất.
TSMC vẫn đứng đầu thị trường foundry bất chấp Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong tuyên bố sẽ trở thành số một vào 3 năm trước. Để bắt kịp TSMC, Samsung đã thay thế một số lãnh đạo cao cấp. Cuộc đua giữa TSMC và Samsung trên thị trường foundry còn khốc liệt, đặc biệt khi nhu cầu điện tử tiêu dùng đi xuống do lo ngại lạm phát toàn cầu.
Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn