Sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Cùng chúng tôi đến nhà anh Trần Minh Thiện, ở ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã, nói: “Anh Thiện luôn chủ động tìm kiếm, học hỏi những cách làm, mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả”.

Anh Thiện bên ruộng môn Thái lấy ngó đạt hiệu quả kinh tế.

Trưa nắng lên cao, anh Thiện còn miệt mài chăm bón cánh đồng trồng môn Thái lấy ngó. Anh Thiện đắp đất, bón phân từng gốc môn để cây hấp thụ tốt; nhổ cỏ dại quanh gốc cho cây môn mọc khỏe, ngó môn xanh tươi. Anh Thiện cho biết vừa bán 2 đợt với hơn 6.000 cây môn con, giá 1.500 đồng/cây. Cứ một tuần, anh Thiện và 2 người cháu lại thu hoạch từ 100-200kg cây con/công, bán cho thương lái. Thời gian thu hoạch trên 1 năm, thu lợi hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Anh Thiện kể về “cơ duyên” với giống môn Thái này qua kết nối, tương tác trên mạng xã hội, làm quen với người bạn ở Củ Chi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn hương. Người bạn “trả ơn” anh Thiện, chia sẻ cây giống cũng như kỹ thuật cơ bản trồng môn Thái lấy ngó, chắc chắn mang lại thu nhập khá. Ðầu năm 2022, anh Thiện mạnh dạn mướn 5,5 công đất thử nghiệm trồng môn Thái. Giống môn Thái “chịu” đất, phát triển xanh tốt và mọc nhiều cây con sau hơn 2 tháng chăm sóc. Ðối với phần ngó môn thu hoạch 8 ngó/kg/15.000 đồng. Theo anh Thiện, cây môn dễ trồng, chăm sóc khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí phân thuốc dinh dưỡng nhưng phải bơm nước lên xuống, định kỳ khoảng 2-3 ngày cho nước vào, ra theo đường rãnh; không để ruộng môn quá nhiều cỏ, hạn chế các loại sâu gây hại tràn lan. Anh Thiện cho biết thêm, đến tháng 10-2022, anh trả lại phần đất này cho chủ. Anh sẽ chọn cây giống môn Thái trồng sang 8 công đất thuê khác và tính kế hoạch chuyên canh giống này lâu dài.

Rời ruộng môn Thái, anh Thiện giới thiệu mô hình nuôi chồn hương hơn 3 năm nay, với trên 30 con chồn sinh sản. Cũng với tính cách luôn thử nghiệm cái mới, trước tiên, anh Thiện tìm thầy học kỹ thuật và “thử” nuôi cặp chồn hương. Thất bại mấy lần nhưng anh Thiện không nản chí, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Một năm sau, chồn cái sinh sản, nuôi 2 tháng, anh Thiện bán con giống trên 5 triệu đồng/cặp. Cặp chồn hương giống nuôi 5 tháng, anh bán giá 16 triệu đồng; chồn nuôi lấy thịt, giá từ 1,2 triệu đồng/kg.

Theo anh Thiện, nuôi chồn hương khá đơn giản, ít rủi ro, đạt lợi nhuận cao. Người nuôi cần chú ý cách chọn giống tốt; chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, khô thoáng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Giới thiệu thức ăn chính của chồn hương là những quày chuối xiêm chín muồi nơi góc nhà, chị Loan, vợ anh Thiện, nói: “Hằng ngày, tôi chịu khó chế biến thịt chuột đồng, xắt chuối thành miếng nhỏ cho chồn hương ăn; sữa pha loãng thêm dinh dưỡng cho chồn hương con mau lớn. Tôi tự mua thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho chồn hương”. Ðể cung ứng đủ thức ăn chính cho chồn hương, hơn năm nay, anh Thiện trồng 2 công chuối xiêm, vừa có lượng thức ăn dồi dào, tươi ngon, vừa giảm chi phí. Anh Thiện còn linh hoạt nuôi 500kg giống ốc bươu đen, hiện thị trường thu mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg.

Chị Phạm Thị Kim Liên cho biết, vợ chồng anh Thiện được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm để mở rộng các mô hình sản xuất, giúp thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua cách làm nông của mình, anh Thiện mong muốn chia sẻ và lan tỏa đến nhiều người có nhu cầu để cùng sản xuất, vươn lên khấm khá, nâng cao đời sống.

Nguồn: baocantho.com.vn