Tọa đàm “Những sai lầm dẫn đến thất bại của startup"
Tại sự kiện công bố Shark Nguyễn Hòa Bình - Nhà sáng lập NextTech giam gia vào Shark Tank mùa 3, các nhà đầu tư của Shark Tank gồm: Shark Nguyễn Mạnh Dũng, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Thanh Việt và Shark Nguyễn Hòa Bình cũng đã có buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề: “Những sai lầm dẫn đến thất bại của startup”.
Theo đó, Shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cả hai câu nói "Đã bắt đầu làm đừng nghĩ đến thất bại" của Shark Hưng và "Đã bắt đầu làm phải nghĩ đến thất bại" của Shark Việt trong chương trình Shark Tank đều đúng và đều sai.
"Bản thân thất bại là một thứ tương đối vì vậy, cả hai câu nói này chỉ đúng theo những trường hợp và thời điểm nhất định", Shark Nguyễn Hòa Bình nói.
Bất kỳ doanh nghiệp nào từ lớn đến nhỏ cũng có thể gặp phải thất bại rất dễ dàng và nhanh chóng, chỉ cần “xảy một bước”, có những doanh nghiệp huy động hàng tỷ USD nhưng lại có thể sụp đổ trong vòng 2-3 tháng.
Do đó, theo Shark Bình, một startup phải trải qua hai bước đánh giá, thứ nhất là ý tưởng có khả thi hay không, có dễ thất bại hay không và bước thứ hai là bước đã đầu tư rồi vẫn phải đánh giá lại xem có khả thi hay không thì mới giảm thiểu khả năng thất bại.
Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup – Chủ tịch HĐQT CenInvest
"Lỗi lớn nhất của startup là quá tự tin vào mình"
Còn theo Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup – Chủ tịch HĐQT CenInvest, ngay cả khi các startup có ý tưởng tốt và nhận được sự đầu tư vẫn có thể gặp thất bại do công tác điều hành.
"Lỗi vận hành lớn nhất của các startup là quá tự tin vào mình. Khi có tiền các bạn chạy ngay ở tốc độ cao trong khi mới đang “tập lái”. Các bạn chi tiền một các khủng hoảng và nghĩ rằng doanh thu sẽ đến trong khi điều đó rất sai lầm", Shark Hưng nói.
Ngoài ra, Shark Hưng cũng chia sẻ về việc gặp rất nhiều startup lập kế hoạch báo cáo doanh thu, lợi nhuận một cách khủng khiếp, tăng gấp hàng chục lần trong tương lai nhưng toàn hợp đồng “đếm cua trong lỗ”, tưởng tượng rằng đối tác sẽ ký hợp đồng với mình trong khi chưa thương thuyết.
"Ở góc độ là nhà đầu tư, dù muốn hay không muốn, chúng tôi vẫn phải trở thành mentor (người hướng dẫn) của các bạn và như vậy các startup có thể tranh thủ ý kiến cố vấn của các nhà đầu tư. Nhưng thực tế là các nhà đầu tư rất khó để liên lạc xem tình hình kinh doanh của các startup đến đâu rồi. Khi thuyết phục đầu tư thì rất tự tin nhưng đến khi kết quả kinh doanh không được như ý muốn thì “trốn vào hang” sợ liên lạc với các Shark", Shark Hưng nói.
Khi mới chớm gặp khủng hoảng cần tìm ngay người cố vấn hoặc chính các nhà đầu tư, phải dũng cảm phanh ngay để giải quyết khủng hoảng. Thay đổi con đường, thay đổi tốc độ, thay đổi lộ trình cho phù hợp, Shark Hưng chỉ ra.
Shark Dzung - Giám Đốc Quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan
Để startup công nghệ "cất cánh" phải mất từ 5-7 năm
Shark Dzung - Giám Đốc Quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan thì cho rằng, với một startup, ông đánh giá theo tỷ trọng quy mô của ngành, người làm và KPI công việc. "Khi thị trường đủ lớn mình 'cưỡi sóng' cũng đi lên rồi nhưng nếu thị trường nhỏ, có cố gắng bao nhiêu cũng vô ích", Shark Dzung nói.
"Về người làm, có ý kiến cho rằng nếu ý tưởng không có gì mới sao còn đầu tư nhưng tôi cho rằng, team làm startup để thực thi ý tưởng đó cũng rất quan trọng, người đứng đầu có đủ lắng nghe, team có đủ nhiệt huyết, kinh nghiệm,… thì có thể thành công dù ý tưởng không mới. Ngoài ra, cũng phải nhìn vào KPI công việc để đánh giá startup đó", Shark Dzung chỉ ra.
Trao đổi về cuộc chơi thương mại điện tử đang "đốt tiền" nhưng Shark Dzung vẫn tham gia bằng việc đầu tư vào Tiki, Giám Đốc Quỹ đầu tư Cyber Agent cho rằng, để startup công nghệ “cất cánh” được thông thường phải mất từ 5-7 năm. Thậm chí, phải đốt tiền để có nền tảng chứ chưa kiếm tiền được về ngay trong một vài năm đầu.