Shark Nguyễn Hòa Bình: Làm 'tri kỷ' của con mình không đơn giản

Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn NextTech.

Sau gần 20 năm tiên phong khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông đã đồng hành và trở thành “tri kỷ” của hàng trăm dự án khởi nghiệp lớn nhỏ. Nhưng bên cạnh ước vọng lớn đó, ông còn là một “tri kỷ” của chính con trai mình.

“Làm tri kỷ của start-up đã khó, làm “tri kỷ” của con còn khó hơn"

Trên thương trường, Shark Nguyễn Hòa Bình được mệnh danh là “tri kỷ” của Startup Việt từ kinh nghiệm sau nhiều lần khởi nghiệp với 40 dự án lớn nhỏ khác nhau trong suốt 18 năm qua. Ông đặc biệt “mát tay” trong việc đầu tư và đồng hành cùng nhiều thương hiệu lĩnh vực công nghệ đạt thành tích đáng nể như mPos, VIMO, Ngân lượng,…

Theo ông, việc làm “tri kỷ” của một start-up không chỉ đơn thuần là thấu hiểu, mà còn cần dành thời gian, công sức, nguồn lực để định hướng và hỗ trợ start-up ấy.

Vì thế, với mong muốn làm “tri kỷ" của con trai mình, Shark Bình cũng luôn dành thời gian để trò chuyện cùng con trai, lắng nghe những câu chuyện về đam mê, hoài bão của con.

Theo ông, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một sở thích và thế mạnh trong lĩnh vực nào đó. Thế nhưng không phải bạn nào cũng nhận được sự ủng hộ hay đồng hành từ cha mẹ. Ông cũng vậy, nhiều khi mải mê công việc mà sao nhãng trách nhiệm và bổn phận của một người cha với con mình.

Mong muốn đồng hành cùng con

Không chỉ với các start-up, Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn NextTech chia sẻ câu chuyện về việc "là tri kỷ" của chính con trai mình.

Tâm sự với Báo GD&TĐ, Shark Nguyễn Hòa bình chia sẻ: “Là một người cha, tôi không khó để nhận ra và thấu hiểu đam mê của con mình. Ngay từ khi còn nhỏ, con trai tôi (bé Minh Quân) đã sớm có đam mê và yêu thích với việc khám phá, tìm tòi về lĩnh vực công nghệ. Cậu bé không chỉ tự mình tìm hiểu kiến thức, mà còn tự học và viết ra những trò chơi đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình ngay từ khi 7 tuổi…”.

Được biết, cả ông và vợ đều là những lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn NextTech, đồng thời là người đứng đầu nhiều dự án về công nghệ. Do vậy, khi thấy con yêu thích lĩnh vực này, vợ chồng ông đã dành thời gian để tìm kiếm một môi trường học tập và phát triển cho con.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Việt Nam chưa có trường học hay học viện nào giảng dạy về công nghệ chuyên nghiệp và bài bản.

Năm 2016, nhận thấy nhu cầu của nhiều cha mẹ Việt Nam về việc đào tạo công nghệ cho con, vợ chồng Shark Bình quyết định thực hiện và đầu tư một dự án về học viện đào tạo công nghệ cho trẻ em chất lượng đầu tiên tại Việt Nam mang tên Học viện Sáng tạo Công nghệ TEKY.

Shark Nguyễn Hòa Bình bên con trai Nguyễn Minh Quân.

Khát vọng lan tỏa tri thức về công nghệ tới hàng triệu trẻ em Việt Nam

Theo Shark Bình, đến năm 2020 có đến 2 triệu việc làm mới sẽ đòi hỏi con người cần được trang bị kiến thức về công nghệ. Ở các nước phát triển, trẻ em đã được học về công nghệ từ khi 5 tuổi. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ ứng dụng khoa công nghệ trên tất cả các lĩnh vực.

“Vì thế, muốn con vững vàng, đón đầu được tương lai, thì cha mẹ cần thiết cho con tiếp cận và học về công nghệ ngay từ bây giờ”- Shark Bình chia sẻ.

Quyết định đầu tư và đồng hành cùng hệ thống Học viện Sáng tạo Công nghệ TEKY của Shark Bình xuất phát một phần từ nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh Việt Nam về việc đào tạo công nghệ cho con và một phần lớn từ những thay đổi của chính con trai ông sau khi được học công nghệ.

Tiếp cận với các lớp học lập trình máy tính hay lập trình robot, con được rèn luyện các tư duy công nghệ, khoa học máy tính và kỹ năng thế kỷ 21 – 4Cs (tư duy Phản biện – Giao tiếp – Sáng tạo – Làm việc nhóm). Từ đó, Shark Bình và vợ nuôi khát vọng có thể lan tỏa tri thức về công nghệ cho hàng triệu trẻ em Việt Nam - những mầm non tương lai cần làm chủ công nghệ.

Theo ông, muốn làm chủ tương lai, nhất định người trẻ cần hiểu biết và nắm chắc về công nghệ. Điều cốt lõi khi cho trẻ học về lĩnh vực công nghệ ngay từ khi còn nhỏ là giúp con được biết và tiếp cận với công nghệ một cách đúng đắn, với tâm thế làm chủ công nghệ, chứ không phải bị công nghệ làm chủ.


Nguồn: Báo GD&TĐ