'Shark phũ phàng' Nguyễn Hòa Bình vạch trần những 'ảo tưởng', 'ngáo giá' của startup Việt

Shark Nguyễn Hòa Bình, nhân tố mới vừa gia nhập dàn “cá mập” trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 3 chỉ ra những “căn bệnh” mà các startup Việt gặp phải. Điển hình là trường hợp anh Lê Nguyễn Khánh Trình đã gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần công ty chuyên xuất khẩu khung xếp đa năng tự lực. Tự định giá startup 1.000 tỷ dù mới xuất khẩu được khoảng 1.000 đơn hàng. Ngay sau khi giới thiệu, không chỉ Shark Nguyễn Hòa Bình, mà các Shark còn lại đều từ chối đầu tư, do Trình đã định giá công ty quá cao so với thực lực.

Thực tế, các Shark cũng chia sẻ, việc định giá công ty quá cao so với năng lực đang khiến các startup không chỉ “lao đao” trong giai đoạn gọi vốn mà còn ảnh hưởng tới cả hoạt động kinh doanh sau này. Chính vì vậy, “Shark phũ phàng” (biệt danh người xem đặt cho Shark Nguyễn Hòa Bình) không ít lần đưa ra những bình luận gay gắt khi thẳng thừng chê các startup Việt Nam “ngáo giá”, hay “em là người của hành tinh khác”.

Startup tự tin thái quá, định giá quá cao

Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, không chỉ trường hợp gọi vốn của Khánh Trình mà các startup khác cũng vậy. “Tôi có cảm giác, Trình lên Shark Tank để quảng bá sản phẩm hơn là gọi vốn nghiêm túc", Shark Nguyễn Hòa Bình nói.

Thậm chí, ông cũng lấy câu chuyện của chính mình 15 – 20 năm trước ra để chứng minh về tư tưởng đó và cũng rơi vào hoàn cảnh thất bại.

“Tôi tin là chỉ có cách phản biện quyết liệt, thẳng thắn, và thậm chí nếu phải dội một gáo nước lạnh vào họ để hết bệnh, thì tôi cũng xin làm. Từ cái tâm của mình, tôi muốn tốt cho các startup", Shark Nguyễn Hòa Bình trải lòng.

Shark Nguyễn Hòa Bình - “cá mập” trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 3

Startup công nghệ “đói” vốn hoặc “đốt” vốn cũng dễ dẫn đến sai lầm và thất bại

Ước tính mỗi năm thế giới có 50 triệu dự án startup công nghệ ra đời, còn Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% startup sẽ thất bại và phải giải thể, vì không tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường, cũng như thiếu một hệ sinh thái làm bệ phóng.

Shark Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông thường đánh giá một startup dựa trên các tiêu chí như: xác định thị trường ngách, đội ngũ phù hợp, sản phẩm và quy trình vận hành đáp ứng, cách đánh thị trường đột phá và cách thức tăng trưởng bền vững…

Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc startup tìm ra công thức giải quyết “nỗi đau” của thị trường. Bởi theo ông Bình, nếu startup làm ra một sản phẩm mà thị trường không cần, hoặc có cũng được, không có cũng chẳng sao, thì đồng nghĩa họ đã thất bại.

Tất nhiên, ngay cả khi startup đã tìm ra công thức thành công, nhưng việc thiếu tệp khách hàng - hệ sinh thái cũng khiến họ gặp khó khăn trong kinh doanh. Do đó, cần xây dựng hệ sinh thái gồm mạng lưới khách hàng, cơ sở hạ tầng và sản phẩm dịch vụ tương hỗ.

Làm sao startup có thể né thất bại khi khởi nghiệp?

Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, tu thân bao giờ cũng cần được đặt lên đầu tiên. “Bản chất startup là biến 0 thành 1. Công ty, hay miếng đất không thể tự lên giá, tất cả là do con người. Quan trọng là startup có một đội ngũ sáng lập tốt để chiến đấu hết mình vì mục tiêu cuối cùng”, Shark Nguyễn Hòa Bình đưa ra lời khuyên.

Shark Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Startup là khởi nghiệp trên nỗi đau của xã hội. Do đó, hãy chỉ quan tâm tới bài toán làm sao để giải quyết nỗi đau”.

Nguồn: Báo VietQ