Cartona có kế hoạch thống lĩnh thị trường thương mại điện tử tại Ai Cập và đã sử dụng số tiền gọi vốn được để mở rộng quy mô cũng như cải thiện điểm yếu trong quy trình sản xuất và vận hành…
Ba nhà đồng sáng lập nền tảng thương mại điện tử Cartona
Các công ty khởi nghiệp giải quyết thách thức về chuỗi cung ứng và hoạt động trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đang tiếp tục thu hút vốn mạo hiểm từ các nhà đầu tư.
GỌI VỐN THÀNH CÔNG VÀ DỰ ĐỊNH PHỦ SÓNG TOÀN QUỐC
Cartona là một trong những nền tảng thực hiện số hóa thị trường thương mại truyền thống, bao gồm các cửa hàng bán lẻ, các nhà sản xuất FMCG, nhà bán buôn và nhà phân phối tại Ai Cập. Công ty này đã huy động được 12 triệu USD tại vòng gọi vốn series A. Silicon Badia - một công ty đầu tư vốn mạo hiểm theo giai đoạn, có trụ sở tại Jordan và Hoa Kỳ là doanh nghiệp dẫn đầu trong vòng gọi vốn của Cartona. Trước đó, các nhà đầu tư như Global Ventures và Kepple Ventures cũng đã góp 4,5 triệu USD trước vòng gọi vốn series A của Cartona.
Thời điểm ấy, Cartona mới chỉ có mặt tại 3 thành phố của Ai Cập, và trong thời điểm hiện tại đã là 11 thành phố. Theo đó, dựa vào những khoản đầu tư nói trên, công ty ra mắt vào năm 2020 này sẽ được phép hoạt động tại toàn bộ các tỉnh, thành phố của Ai Cập, phát triển các sản phẩm công nghệ và dịch vụ, đồng thời khám phá các ngành lân cận ngoài FMCG.
"Chúng tôi tin rằng, với số tiền này, Cartona sẽ đạt được nhiều lợi nhuận. Chúng tôi sẽ chỉ sử dụng số vốn để duy trì tăng trưởng bền vững cho công ty, thay vì mở rộng quy mô ồ ạt", Giám đốc điều hành Cartona - ông Mahmoud Talaat cho biết. "Công ty có kế hoạch phủ sóng ở tất cả thành phố tại Ai Cập và chủ yếu tập trung vào phát triển sản phẩm và công nghệ".
Nền tảng Cartona cho phép khách hàng đặt mua thông qua mạng lưới những người bán hàng. Bên cạnh đó, mọi hoạt động trao đổi, chương trình khuyến mại hoặc thông tin thị trường cũng được cung cấp đầy đủ khi khách hàng sử dụng ứng dụng.
Tuy vậy, công ty chỉ điều hành thị trường bán lẻ và không sở hữu bất kỳ sản phẩm hay phương tiện nào. Mô hình này đã khiến người sử dụng ứng dụng, cả bên bán và bên mua đều phàn nàn. Do đó, ông Talaat cho biết, Cartona phải tập trung nhiều hơn vào việc tích hợp kỹ thuật với các nhà sản xuất lớn và kho hàng của họ để tạo ra thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Nhờ vào việc tích hợp, Cartona có thể đồng thời sử dụng vốn và tăng trưởng hiệu quả mà vẫn có thể mở rộng quy mô sản phẩm tài chính nhúng của mình.
KHẮC PHỤC NHỮNG YẾU ĐIỂM TRONG QUY TRÌNH
Có khả năng cung cấp các khoản vay, vốn lưu động hoặc mô hình mua trước, trả sau (BNPL) cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ là điểm mạnh của các sàn thương mại điện tử B2B và thị trường bán lẻ tại châu Phi. Tuy nhiên cách họ cung cấp các dịch vụ này lại có sự khác nhau. Ông Mahmoud Abdel-Fattah, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc công nghệ Cartona tuyên bố rằng, ở Ai Cập, giữa những công ty nổi bật khác như MaxAB hay Capiter, Cartona nổi bật hơn khi có tích hợp các dịch vụ mua trước, trả sau vào các quy trình thị trường mà không cần sự trợ giúp của bên thứ 3. Vì vậy, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp nhỏ trả các khoản vay hàng tháng theo lãi suất như các nền tảng khác, Cartona cho phép họ trả các khoản vay này mỗi khi có lô hàng sản phẩm.
Có hơn 4 trăm nghìn cửa hàng, hàng nghìn thương hiệu quốc tế cũng như bản địa trên khắp Ai Cập. Mức tăng trưởng hàng năm trong lĩnh vực này đạt 8%. Các báo cáo cũng cho biết quy mô thị trường bán lẻ tổng thể là 120 tỷ USD, trong đó thị trường thực phẩm và đồ uống chiếm 70 tỷ USD.
Đây chính là cơ hội lớn mang lại cho các nền tảng như Cartona nhận được sự chú ý từ các nhà đầu tư như Silicon Badia vào lĩnh vực bán lẻ B2B. Các giám đốc điều hành của Cartona cho biết, năm ngoái họ đã sở hữu mạng lưới hơn 30 nghìn người bán hàng và đã xử lý hơn 400 nghìn đơn đặt hàng có tổng trị giá lên tới 1 tỷ EGP (tương đương với 64 triệu USD). Còn ở thời điểm hiện tại, công ty đang phục vụ hơn 60 nghìn người bán và xử lý hơn 1 triệu giao dịch với tổng giá trị hàng hóa hàng năm là 2,3 tỷ EGP (tương đương 120 triệu USD). Cartona có hơn 1.500 nhà phân phối và bán buôn trên nền tảng ứng dụng và 200 công ty FMCG, bao gồm những tên tuổi lớn như Unilever và Henkel.
Các nhà sáng lập của công ty cho biết, họ muốn xây dựng Cartona trở thành đối tác công nghệ tốt hơn cho các thương hiệu FMCG này. Ông Abdel Fattah, giám đốc điều hành phụ trách xử lý các tích hợp kỹ thuật cho biết "Chúng tôi bắt đầu kinh doanh các ngành hàng tiêu dùng với quy mô lớn, nhưng nhiều công ty đa quốc gia đang để mắt tới Cartona do họ nhận ra tiềm năng của chúng tôi. Cartona không có ý định cạnh tranh với họ hoặc hạ giá sản phẩm của họ. Chúng tôi chỉ đang kết nối với các nhà bán lẻ để làm cho quy trình trở nên liền mạch hơn thôi".
Nguồn: vneconomy.vn