Bằng các chiến lược mua lại và hợp tác, các doanh nghiệp Việt đang tạo ra nền tảng vững chắc trong lĩnh vực bán lẻ. Qua đó đủ khả năng đối đầu với các đối thủ ngoại nhiều tiềm lực và kinh nghiệm.
Đáng chú ý, những cái tên mới gia nhập vào thị trường bán lẻ như Thaco, Masan, Bách Hóa Xanh… được kỳ vọng sẽ trở thành những đại gia tạo dựng các chuỗi siêu thị lớn mạnh mang thương hiệu Việt.
Thâu tóm đại siêu thị của Hàn Quốc
Sau sáu năm thành lập và mất rất nhiều thời gian lẫn chi phí nghiên cứu thị trường Việt Nam (VN), đại siêu thị Emart của Hàn Quốc mới đây đã phải chuyển giao cho ông lớn ô tô VN là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco).
Dẫn các nguồn tin từ Emart, tờ Korea Times của Hàn Quốc cho biết ban lãnh đạo Emart đã quyết định bán 100% cổ phần cho Thaco, rút vốn khỏi thị trường VN. Thông qua thương vụ này, Emart sẽ không còn điều hành đại siêu thị tại thị trường VN. Mọi việc vận hành, hoạt động sẽ do Thaco tiến hành dưới dạng nhượng quyền thương mại. Emart chỉ thu phí nhượng quyền. Thông qua Thaco, đại siêu thị Emart có khả năng mở đến con số 10 vào năm 2025.
Thaco cũng đã xác nhận thông tin mua Emart. Sau khi tiếp quản Siêu thị Emart, Thaco sẽ đẩy mạnh mở rộng việc phát triển hệ thống siêu thị này với vai trò là chủ đầu tư mới và là người mua nhượng quyền.
Cũng trong tháng 5 này, Masan và Alibaba công bố bắt tay hợp tác kinh doanh. Theo đó, nhóm nhà đầu tư Alibaba rót 400 triệu USD vào The Crownx, một công ty con của Masan. The Crownx là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan.
“Thị trường VN có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, được hỗ trợ bởi các xu hướng kinh tế vĩ mô thuận lợi và đặc biệt là lợi thế dân số trẻ” - bà Janice Leow, đại diện nhóm đầu tư Alibaba, nhìn nhận.
Trước đó, nhà bán lẻ Auchan của Pháp đã chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ của Auchan tại thị trường VN cho Saigon Co.op. Cụ thể, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả hoạt động của Auchan gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn mảng thương mại điện tử, nền tảng online. Việc Auchan rút lui đánh dấu nhà bán lẻ châu Âu cuối cùng rời khỏi thị trường bán lẻ VN vốn được đánh giá là tiềm năng trong tốp đầu khu vực châu Á.
Cầu nối cho hàng Việt Nam
Có nhiều kỳ vọng từ những chuyển động mạnh mẽ của các thương hiệu bán lẻ điều hành bởi các ông chủ người Việt. Từ lâu, tại thị trường VN, nhất là mảng đại siêu thị hầu hết đều nằm trong tay các đại gia nước ngoài. Đây là mảng kinh doanh rất hấp dẫn với các nhà kinh doanh siêu thị vì VN có dân số lớn và trẻ, cùng với đó mức chi tiêu ngày càng tăng.
Với tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà sản xuất hàng Việt. Đơn cử, hàng Việt từng bị “đuổi” ra khỏi siêu thị có vốn đầu tư ngoại để nhường sân chơi cho hàng ngoại.
Do đó, giới phân tích kinh tế cho rằng việc Thaco mua lại Emart dưới dạng nhượng quyền thương mại sẽ tạo ra một bức tranh khác cho lĩnh vực bán lẻ. Bởi Thaco là nhà sản xuất, lắp ráp ô tô có tiếng với khả năng nội địa hóa lớn trong lĩnh vực này. Do đó, việc ưu ái hàng Việt trong đại siêu thị Emart sẽ trở nên dễ dàng hơn và đem lại các sản phẩm giá hợp lý cho người tiêu dùng Việt.
Mặt khác, lâu nay các doanh nghiệp VN thường bị các tập đoàn lớn nước ngoài thâu tóm, sáp nhập hoặc mua lại. Nay việc một số đại gia VN đã lội ngược dòng khi mua lại toàn bộ hệ thống chuỗi bán lẻ tầm cỡ thế giới là bước phát triển mới mang tính đột phá của nhà bán lẻ VN.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, từng nhấn mạnh rằng việc tiếp quản Auchan khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại và thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng VN. Chẳng hạn, nông thủy sản VN sẽ có cơ hội xuất sang các nước mà tập đoàn bán lẻ Pháp đang hiện diện.
“Auchan sẽ là đầu mối cho hàng Việt vào thị trường Pháp và các nước” - ông Đức nói.
Còn nhiều thách thức
Tuy vậy, đại dịch đang tạo ra nhiều khó khăn cho các ông chủ bán lẻ. Người tiêu dùng e ngại đến chỗ đông người, do đó đòi hỏi các nhà bán lẻ buộc phải thực thi chiến lược đưa công nghệ vào mảng kinh doanh bán lẻ. Các công ty đặt thương mại điện tử làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của họ giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Nhìn ở góc độ này, Masan đang có nhiều cơ hội vươn lên thành một thương hiệu bán lẻ mạnh trên thị trường VN. Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The Crownx, mới đây cho biết nếu như trước đây chưa hình dung được bán hàng online ra sao thì giờ đây đã nắm được giá trị cốt lõi bán hàng trực tuyến. “Cú bắt tay với Alibaba là bước tiến dài cho Masan trong lĩnh vực này” - ông Thắng nói.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, cũng thông tin nhu yếu phẩm hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ VN và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Tuy được mua sắm với tần suất hằng ngày, khả năng người tiêu dùng tiếp cận mặt hàng nhu yếu phẩm thông qua kênh online vẫn còn hạn chế. Do vậy, công ty đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng trong thời gian tới.
Một ông lớn khác cũng đang tăng trưởng rất nhanh trong lĩnh vực bán lẻ là Bách Hóa Xanh khi sở hữu trên 1.000 cửa hàng và đang tập trung mạnh cho mảng bán hàng online với mục tiêu đầy tham vọng sẽ chiếm 20%-30% doanh thu. Bởi vì người tiêu dùng ngày càng thoải mái khi mua sắm trực tuyến, có nghĩa là các nhà bán lẻ sẽ cần phải có sự hiện diện của thương mại điện tử để đạt được thành công.
Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, nếu muốn thu hút khách hàng tiềm năng vào cửa hàng của mình cả online lẫn offline thì hệ thống bán lẻ đó phải cần cung cấp lợi thế khác biệt và trải nghiệm độc đáo.
Thích nghi nhanh với thói quen mới của khách hàng
VN là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu châu Á. Ngay cả trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, doanh số bán lẻ năm 2020 vẫn đạt hơn 172 tỉ USD, tăng hơn 11 tỉ USD so với năm trước đó.
Tuy nhiên, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen VN nhận định thị trường bán lẻ năm 2021 sẽ thay đổi rất nhiều, đòi hỏi nhà bán lẻ cần thích nghi nhanh với sự phân hóa và thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Theo đó cần tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ, số hóa; tích cực đổi mới công nghệ, dịch vụ và bán hàng đa kênh gồm online website, mobile app, hợp tác thương mại điện tử, thanh toán không bằng tiền mặt, giao hàng tận nhà...