'Tảng băng chìm' của các nữ triệu phú vlog, livestream

50 triệu USD là giá trị tài sản ròng tính đến năm 2019 của Michelle Phan. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, nữ doanh nhân người Mỹ gốc Việt chưa từng tưởng tượng bản thân có thể gây dựng được số tài sản này.

Với 8,9 triệu người theo dõi và gần 1,1 tỷ lượt xem video, Michelle Phan được mệnh danh là “Beyoncé của giới vlogger làm đẹp”.

Cô miêu tả hành trình làm giàu của mình bắt đầu "từ trong phòng ngủ với một chiếc máy quay".

Nữ triệu phú Michelle Phan. Ảnh: Michelle Phan.

Khởi nghiệp từ phòng ngủ

Với hơn 4,5 tỷ người dùng toàn cầu mà phần lớn là giới trẻ, Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Thế giới mạng giờ đây không đơn thuần chỉ là không gian cho mọi người kết nối và giải trí, mà còn là mảnh đất cho các bạn trẻ kiếm thu nhập.

Từ đó, nhiều cô gái tận dụng được lợi thế về công nghệ, nhanh chóng nắm bắt xu hướng của cộng đồng mạng và biến nó thành cơ hội phát triển cho bản thân.

Đứng sau Michelle Phan trong danh sách những vlogger kiếm nhiều tiền nhất thế giới là Lilly Singh. Năm 2017, khối tài sản của nữ triệu phú người Mỹ gốc Ấn này lên tới 10,5 triệu USD.

Lilly cũng là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất theo New York Times, có tên How To Be A Bawse (tạm dịch: Làm thế nào để trở thành một người bản lĩnh).

Nữ triệu phú Lilly Singh. Ảnh: Getty Images.

Bộ phim A Trip to Unicorn Island (tạm dịch: Chuyến đi tới Đảo Kỳ lân) do cô đạo diễn và đóng vai chính còn được đăng tải trên YouTube Red, phiên bản trả tiền của website này. Đây là bộ phim tài liệu về chuyến đi tới các thành phố trên thế giới.

Cách đây 10 năm, khi mới bước chân vào ngành này, Lilly thậm chí còn không biết cách sử dụng máy quay. Tuy nhiên, cô gái vẫn tự mình đứng sau tất cả các công đoạn dựng video, từ viết kịch bản, quay, diễn và biên tập.

Các chủ đề vlog của cô luôn trực diện và không ngại nhắc đến những vấn đề khó nói hay gây ngại ngùng, như rắc rối ngày kinh nguyệt, nốt trứng cá trên mặt, những khó khăn khi mặc nội y...

Thông qua những câu chuyện hài hước, Singh truyền tải thông điệp tích cực, thúc đẩy sức mạnh và yêu thương bản thân. Cô trở thành biểu tượng của những người phụ nữ quyền lực thế hệ mới.

Nữ triệu phú châu Á

Làn sóng nữ triệu phú nổi danh từ Internet cũng lan sang cả các quốc gia phương Đông, điển hình là ở Trung Quốc.

Lý Tử Thất là một trong những hiện tượng mạng nổi bật tại quốc gia tỷ dân với tên gọi "tiên nữ đồng quê". Mặc dù mới bắt đầu quay vlog từ năm 2016, cô sở hữu hơn 19 triệu người theo dõi trên Weibo.

Nữ triệu phú Lý Tử Thất.

Mỗi video nấu ăn, nhuộm vải, dựng lều gỗ… ở vùng quê của cô gái trẻ thu hút nhiều lượt xem. Các bình luận chia sẻ rằng họ cảm thấy thảnh thơi, thoát khỏi sự bộn bề nơi đô thị nhờ việc theo dõi những bài đăng của Lý Tử Thất.

Tháng 10/2019, tờ Dianshang Bao cho biết “tiên nữ đồng quê” sinh năm 1990 đã trở thành nữ đại gia sở hữu khối tài sản triệu USD trước tuổi 30.

Theo thống kê, thu nhập trung bình của 9X rơi vào khoảng từ 7-8 triệu USD/năm. Tính đến năm 2019, định giá thương hiệu của Lý Tử Thất đã vượt qua 10 con số.

"14 tuổi, Lý Tử Thất đi làm công, mỗi tháng chỉ kiếm được 40 USD. Từ một cô gái vất vả mưu sinh, Tử Thất giờ đã trở thành triệu phú. Điều này nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người", tờ báo trên bình luận.

Theo National Geographic, không chỉ riêng mảng vlog, ngành công nghiệp bán hàng qua livestream cũng đang phát triển với trong những năm qua.

Ở tuổi 32, Zhang Dayi được xếp vào hàng triệu phú Trung Quốc với thu nhập rơi vào mức hàng chục triệu USD một năm chỉ nhờ livestream bán hàng trên mạng.

Năm 2016, với thương hiệu quần áo và làm đẹp của bản thân, Zhang kiếm được 46 triệu USD, gấp đôi thu nhập của nữ diễn viên Phạm Băng Băng.

Công việc livestream bán hàng thường ngày của Zhang Dayi. Ảnh: Reuters.

Mặt trái của công việc tưởng như trong mơ

Nhưng theo The Guardian, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, là lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài, còn trên thực tế nhiều người đã phải chấp nhận hy sinh cuộc sống cá nhân, sức khỏe khi lựa chọn công việc này.

Giữa lúc đang thành công nhất, tháng 4/2017, Michelle Phan cho biết đang gặp vấn đề tâm lý, tuyên bố ngừng làm video.

Chia sẻ trên Racked, cô gái gốc Việt khẳng định thấy nhẹ nhõm hơn khi rời xa ống kính và lui vào phía sau.

"Đi đâu cũng bị nhận ra. Bạn chẳng biết khi nào nó xảy ra. Thú thực, tôi cảm thấy khó xử nhất mỗi khi được yêu cầu chụp những tấm ảnh selfie bên trong nhà vệ sinh". Ngay cả gia đình của Michelle Phan cũng bị người hâm mộ nhận ra.

Nai Nai (sinh năm 1996) từng được biết đến là nữ streamer có đông đảo fan nam tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nai Nai đã từ bỏ nghề cho cô tiền tài, danh tiếng sau những căng thẳng, tổn thương tâm lý kéo dài. Tất cả bắt nguồn từ việc cô công khai hẹn hò và bị người hâm mộ tẩy chay.

Nữ triệu phú Zhang Dayi.

Kinda Lo, nhà nghiên cứu cộng đồng trực tuyến tại ĐH California, Irvine, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kiệt sức, thậm chí gây ra PTSD (Post-traumatic Stress Disorder: rối loạn căng thẳng sau chấn thương).

Nhà nghiên cứu đã đưa ra một danh sách các yếu tố nghề nghiệp gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm: căng thẳng khi đọc các bình luận tiêu cực, lo lắng về vấn đề tài chính, áp lực khi nổi tiếng và tương tác với khán giả…

"Việc vừa duy trì công việc thành công vừa có một cuộc sống lành mạnh là một giấc mơ huyễn hoặc. Người trẻ có thể làm việc với cường độ cao, chịu được áp lực, không bị vướng bận nhiều trách nhiệm sẽ dễ dàng thành công trong những năm đầu nhưng về lâu dài sẽ đánh mất cuộc sống và sức khỏe", bà nói.

Nguồn: Báo Zing