Thành tỷ phú nhờ một dòng tweet của Kim Kardashian

Trang CNBC gọi Nick Molnar - cha đẻ nền tảng thanh toán trực tuyến Afterpay - là biểu tượng của Australia. Anh chàng 30 tuổi đã góp phần thay đổi thói quen chi tiêu của thế hệ trẻ, tự ghi tên vào danh sách những người trẻ giàu có của đất nước.

Cổ phiếu công ty tăng vọt trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã giúp khối tài sản của anh vượt mốc 1 tỷ USD, đưa Nick Molnar trở thành tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất Australia.

Molnar sáng lập Afterpay cùng người hàng xóm Anthony Eisen, một nhân viên đầu tư hơn anh 18 tuổi. Nền tảng thanh toán với phương châm “mua ngay, trả sau”, cho phép người dùng giảm bớt chi phí mua hàng của họ qua các khoản trả góp thông thường, không lãi suất.

Nick Molnar trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Australia trong mùa dịch.

Thành tỷ phú nhờ đại dịch

Năm nay, công ty khởi nghiệp công nghệ 6 năm tuổi có sự phát triển vượt bậc khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy thói quen chi tiêu mới.

Từ khi có lệnh giãn cách xã hội, các giao dịch thẻ tín dụng Visa đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các giao dịch bằng thẻ ghi nợ cũng sụt giảm trong thời kỳ này nhưng phục hồi nhanh chóng vào tháng 5, khi người dùng bắt đầu chi tiền sắm sửa và cải tạo không gian sống trong thời gian cách ly ở nhà.

Sau khi giảm xuống 8 AUD/cổ phiếu vào tháng 3/2020, giá cổ phiếu công ty đã tăng 1.300% lên mức 105 AUD vào tháng 11. Số người dùng đang hoạt động tăng gấp đôi lên 11,2 triệu.

Hồi tháng 5, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã trả hơn 200 triệu USD cho 5% cổ phần của công ty.

Nhờ đó Afterpay trở thành một trong những cổ phiếu nóng nhất ở Australia, đưa cả Nick và Anthony - mỗi người sở hữu 7% cổ phần - lên vị trí tỷ phú.

Hai vị CEO thành tỷ phú sau 6 năm cùng sáng lập Afterpay.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Afterpay không hoàn toàn được đón nhận. Nhiều chuyên gia cho rằng công ty đang khuyến khích tiêu dùng quá mức và không bền vững khi cho phép người dùng tiêu nhiều hơn so với số tiền họ có.

Hiện tại, những nền tảng "mua ngay, trả sau" như Afterpay, Affirm và Klarna nằm ngoài luật tín dụng tiêu dùng ở hầu hết quốc gia. Các cơ quan quản lý lo ngại nó khiến các doanh nghiệp nhỏ khó khăn hơn khi phải chịu phí so với các "ông lớn", ảnh hưởng đến việc cạnh tranh.

Dù có sự phát triển vượt bậc, Afterpay vẫn chưa thu được lợi nhuận. Năm 2020, doanh thu của công ty tăng gấp đôi lên 382 triệu USD và khoản lỗ giảm một nửa còn 16,8 triệu USD.

Cảm hứng từ khủng hoảng

Cách đây 6 năm, khi Molnar bắt đầu kinh doanh với Anthony, mục tiêu của cả hai lại hướng đến xử lý một cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác.

"Tôi đã nhận ra xu hướng này vì từng chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008", CEO 30 tuổi cho biết. Molnar, khi đó đang là sinh viên thương mại tại Đại học Sydney, nhận thấy thói quen chi tiêu của giới trẻ đang thay đổi.

Anh phát hiện những người trẻ tuổi trở nên hoài nghi về các sản phẩm tài chính truyền thống, chẳng hạn như thẻ tín dụng, khi chúng có thể dẫn đến các khoản nợ tăng cao.

Nick Molnar cùng cộng sự lấy cảm hứng thành lập nền tảng thanh toán khi chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

"Trở nên khôn ngoan trong giai đoạn ấy là điều dễ hiểu. Chúng tôi đã thấy cha mẹ, hoặc bạn bè của cha mẹ, mất việc làm. Và về cơ bản, cả thế hệ Millennials khi đó đều cùng quan điểm: 'Tôi thích tiêu tiền của chính mình hơn. Tôi muốn chi tiêu bằng thẻ ghi nợ hơn so với thẻ tín dụng'".

Vì vậy, Molnar và Eisen đã quyết định đưa ra một giải pháp thay thế mới, thân thiện với thế hệ trẻ cho việc trả chậm, tính phí bán hàng cho các nhà bán lẻ hơn thay vì tính phí người tiêu dùng khi họ trả nợ.

Theo mô hình “mua ngay, trả sau”, khách có thể chia đều chi phí mua hàng (lên đến 1.500 AUD, hoặc 1.115 USD) qua 4 lần trả góp bằng nhau, trong khi các nhà bán lẻ tham gia hệ thống trả một khoản hoa hồng nhỏ - khoảng 4%-6% trên mỗi lần bán hàng.

Nếu khách để quá hạn hoàn trả, họ sẽ bị chặn khỏi dịch vụ cho đến khi thanh toán hết toàn bộ chi phí mua hàng đó.

"Trong tài chính truyền thống, phần lớn thu nhập được tạo ra từ người tiêu dùng, không phải từ nhà bán lẻ. Chúng tôi suy nghĩ về cách làm sao thay đổi điều này".

Kể từ khi ra mắt vào năm 2014, hoạt động kinh doanh của công ty đã tăng trưởng nhanh chóng. Người tiêu dùng có hầu bao eo hẹp thích mô hình trả góp bình đẳng. Còn các nhà bán lẻ muốn tăng doanh số bán hàng, vui lòng khi trả một khoản phí nhỏ để gia nhập nền tảng này.

Trong vòng 2 năm, Afterpay đã huy động được gần 18 triệu USD trên Sở giao dịch chứng khoán Australia. Nhưng việc kinh doanh chỉ thực sự phát triển trên phạm vi quốc tế sau dòng tweet từ ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian khi Afterpay ra mắt tại Mỹ vào năm 2018.

Thương hiệu mỹ phẩm của chị gái cô, Kylie Skin, hiện là một trong hàng nghìn nhà bán lẻ trên nền tảng này. Những thương hiệu thời trang thể thao như Lululemon hay Adidas cũng gia nhập dịch vụ khi thói quen tiêu dùng mới phát triển.

Molnar cho biết anh đang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mở rộng ra toàn cầu. Các thị trường mục tiêu là Mỹ, Anh và các nước châu Âu.


Nguồn: Báo Zing