Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Cty CP Thế Giới Di Động, cho biết đã mở tại một huyện ở Long An khoảng hơn 10 cửa hàng Thế Giới Di Động mini, diện tích nhỏ hơn các cửa hàng chuẩn của chuỗi này. Sau khi đón nhận kết quả kinh doanh khá tốt, công ty này sẽ tiếp tục mở thử nghiệm ở các huyện khác.
Thông thường, ở một tỉnh không phải thành phố lớn, Thế Giới Di Động có khoảng vài chục cửa hàng đặt ở các trục đường chính của tỉnh. Việc mở rộng thêm các cửa hàng nhỏ lẻ đánh sâu vào các huyện, Thế Giới Di Động sẽ mở rộng được tập khách hàng, gia tăng thị phần.
Trước khi mở Thế Giới Di Động mini hồi trước Tết, chuỗi này đã mở các cửa hàng Điện thoại Siêu rẻ với quy mô chỉ một nhân viên, diện tích cửa hàng trên dưới 20 mét vuông, nhằm cạnh tranh với các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ.
“Thế Giới Di Động hiện chiếm khoảng 50% thị phần điện thoại tại Việt Nam nhưng tôi vẫn cảm thấy có thể tăng thêm được. 60-70% thị phần chẳng hạn”, ông Hiểu Em cho biết.
Thế Giới Di Động hiện nắm thị phần lớn nhất so với các chuỗi bán lẻ, tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ một mảng kinh doanh do các hộ cá thể nắm giữ, và bấy lâu nay ông lớn này vẫn đang tìm cách giành lấy. Việc mở chuỗi Điện thoại Siêu rẻ hay cửa hàng Thế Giới Di Động diện tích nhỏ ở tuyến huyện, xã nhằm hiện thực hóa việc này, mở rộng thị trường.
Ông Hiểu Em cho biết cửa hàng Thế Giới Di Động mini hầu như không có đối thủ ở các huyện. Cửa hàng này có quy mô và cách bài trí tương tự với Điện thoại Siêu rẻ, tức chỉ có một nhân viên, diện tích khoảng 20 mét vuông, thường không có máy lạnh. Tuy vậy, khác biệt lớn là Thế Giới Di Động mini sẽ bán hàng theo đúng chính sách hiện nay của chuỗi này, với hàng hóa chính hãng và chế độ hậu mãi tương đương các cửa hàng ở chuỗi lớn.
“Giả sử trung bình mỗi tỉnh có khoảng 10 huyện, mỗi huyện có 10 xã. Nếu mô hình này thành công, chúng tôi sẽ mở rộng ra hơn nữa, số lượng cửa hàng nhỏ dạng này sẽ rất lớn”, ông Hiểu Em nói.
Việc mở cửa hàng ở tuyến huyện, xã Thế Giới Di Động từng thử nghiệm trước đây nhưng sau đó nhanh chóng đóng cửa. Trả lời ICTnews, ông Hiểu Em cho biết do thời điểm đó mô hình mini của chuỗi này chưa phù hợp.
“Khi mở mô hình Điện thoại Siêu rẻ, chúng tôi bắt đầu có kinh nghiệm mở cửa hàng nhỏ, biết cách tối ưu chi phí, do đó chúng tôi khởi động lại mô hình cửa hàng nhỏ và khá tự tin sẽ thành công”, ông Hiểu Em nói.
Mặc dù vậy, mô hình Điện thoại Siêu rẻ của Thế Giới Di Động hiện mới chỉ hòa vốn, chưa có lời. Mô hình này bán điện thoại rẻ hơn Thế Giới Di Động nhằm cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ lẻ cá nhân. Mỗi tháng thu về 300 triệu đồng/cửa hàng nhưng ông Hiểu Em cho biết chỉ đủ bù chi phí. Sắp tới khi mở mới, ông Hiểu Em cho biết sẽ lựa chọn mặt bằng kỹ càng hơn để thử nghiệm xem mô hình này có mang lại lợi nhuận không.
“Mặc dù chưa mang về lợi nhuận nhưng chuỗi Điện thoại Siêu rẻ có sứ mệnh riêng. Nhờ chuỗi này chúng tôi có ý tưởng mở thêm cửa hàng mini ở các huyện như đã nói”, ông Hiểu Em giải thích.
Cửa hàng mini của Thế Giới Di Động bán đúng giá với chuỗi lớn, lại tiết kiệm được chi phí tương đương với chuỗi Điện thoại Siêu rẻ nên bước đầu đã có hiệu quả.
“Tôi đánh giá mô hình cửa hàng mini ở huyện có thể phát triển tốt hơn chuỗi Điện thoại Siêu rẻ hiện tại”, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh nói.
Điện máy Xanh để ngỏ khả năng mở thêm thị trường ngoại
Trong buổi gặp với các nhà phân tích tại trụ sở Thế Giới Di Động hôm nay 21/2, ông Hiểu Em cho biết năm 2020 sẽ tập trung mở thêm 200 cửa hàng Điện máy Xanh, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ hoàn thành xong 100 shop.
Song song đó, sẽ mang thêm nhiều sản phẩm mới hơn vào các chuỗi cửa hàng di động và điện máy. Đồng thời nâng cấp các cửa hàng Thế Giới Di Động sang Điện máy Xanh nhằm mở rộng nguồn khách hàng. Trong đó chú trọng vào mặt hàng gia dụng vốn đang tăng trưởng nhanh.
Năm 2018 mặt hàng gia dụng đóng góp 5.000 tỷ đồng doanh thu, năm 2019 đạt 8.000 tỷ, năm nay Thế Giới Di Động dự kiến có được 8.000 tỷ đồng tử nồi niêu, xoong chảo,...
Cách thức trưng bày hàng hóa ở các cửa hàng cũ sẽ được thay bằng mô hình mới. Nhiều cửa hàng Điện máy Xanh lớn còn kiểu thiết kế cũ sẽ được làm lại theo mô hình 4.0, trưng bày hàng hóa hợp lý hơn, nhiều sản phẩm hơn cho người dùng lựa chọn.
Năm 2019, Điện máy Xanh chiếm thị phần gần 40% ở mảng điện máy. Năm 2020, chuỗi này đặt mục tiêu đạt từ 42-45% thị phần chung.
Mảng đồng hồ cũng đang mang lại tăng trưởng mạnh mẽ cho Thế Giới Di Động. Năm 2019 có khoảng 250 cửa hàng có bán đồng hồ, năm nay ông Hiểu Em cho biết sẽ tăng thêm tổng cộng 500 cửa hàng. Năm 2019 mảng đồng hồ đạt 800 tỷ đồng doanh thu, năm nay dự kiến tăng 3 hay 4 lần.
Bên cạnh đó, chuỗi Bigphone ở Campuchia đang hoạt động ổn định sẽ tiếp tục được mở rộng. Sau khi mở một cửa hàng điện máy Bigphone+ cách đây vài tháng, Thế Giới Di Động sẽ mở mới thêm khoảng 5 cửa hàng nữa trước ngày 15/4.
“Thị trường Campuchia khá nhỏ nhưng là bước khởi đầu để chúng tôi quen với việc vận hành chuỗi ở nước ngoài. Không loại trừ khả năng sẽ tham gia vào các thị trường khác như Indonesia, Philippines,... chẳng hạn”, ông Hiểu Em cho biết.
Năm 2020, Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 122.554 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.835 tỉ đồng, tăng trưởng 35%. Trả lời các nhà phân tích, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động - cho biết sẽ không điều chỉnh kế hoạch trong bối cảnh dịch viêm phổi Corona đang diễn ra, dự kiến ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung.