Thế hệ Z: Từ chuyện vượt qua ảo tưởng khác biệt đến hành động cho tương lai

Kỳ vọng vào Gen Z (những người ra đời vào khoảng cuối thập niên 90 cho đến những năm 2010) rồi lại đau đầu vì Gen Z, vừa có phần lo lắng, vừa có phần xa lạ… đó là cảm giác chung của các thế hệ trước khi nghĩ tới Gen Z hay còn được gọi là thế hệ Z.

Sự khác biệt có thực sự tồn tại?

Khi thế hệ 8X bắt đầu "nhập cuộc" trong xã hội, một làn sóng dư luận xoay quanh những khác biệt của những người ra đời vào thập niên 1980. Truyền thông đã gọi thế hệ 8X là thế hệ bản lề, giữa những định chế văn hóa của quá khứ và một thế giới mới với Internet và toàn cầu hóa. Một sự lo ngại tất yếu được đặt ra: liệu thế hệ 8X có đạp bỏ những giá trị cũ hay không? Thời gian đã đưa ra câu trả lời là "không". Dù có nhiều khác biệt do hoàn cảnh sống tạo ra nhưng thế hệ 8X vẫn trải qua những biến chuyển riêng biệt ở mỗi cá nhân. Những giá trị cũ không bị gạt bỏ, mà dần được tìm lại, Internet có thể khiến một vài 8X trở nên nông nổi nhưng với một số 8X, đó là công cụ hữu ích chưa từng có để có nhiều tri thức hơn, kết nối nhiều hơn.

Như những gì đã diễn ra với thế hệ 8X, các cuộc tranh cãi xoay quanh thế hệ Z cũng có những luận điểm tương tự nhưng nóng hơn với độ quan tâm lớn hơn. Nó được dấy lên bởi các thế hệ trước nhận ra tác động mạnh mẽ của Internet tới những đứa trẻ trong gia đình: thay vì đọc sách, chúng yêu thích xem video hơn; thay vì sử dụng lời nói, chúng giao tiếp với nhau qua chat; chúng không tiếp thu kiến thức một cách hệ thống mà ngẫu hứng và đứt đoạn; thay vì đeo đuổi thành công và tạo ra đột phá, chúng đòi hỏi ý nghĩa của cuộc sống, chúng bàn nhiều về những gì loài người tàn phá thế giới; chúng có vẻ như không quan tâm đến trách nhiệm với gia đình, mà mong muốn được bù lấp về tình cảm... Thế hệ Z liệu có nên được định nghĩa như vậy hay không?

Đình công vì khí hậu tại Australia.

Sự định nghĩa thế hệ Z cùng những đặc tính mà cả chúng ta và những người thuộc thế hệ Z tin vào, nực cười thay, không hề dựa trên bất cứ nghiên cứu hay số liệu nào. Chưa từng có một cuộc điều tra xem bao nhiêu phần trăm người thuộc thế hệ Z thích xem video hơn đọc sách và liệu các thế hệ khác có như vậy hay không? Cũng như bao nhiêu người Gen Z thích giao tiếp qua chat, bao nhiêu người chỉ tiếp thu kiến thức theo dạng phân mảnh, bao nhiêu người cảm thấy ái ngại về sự tàn phá thế giới của con người? Và, điều quan trọng, sự khác biệt của thế hệ Z ở các địa phương khác nhau liệu có khác nhau? Thiếu tất cả những dữ liệu ấy, mọi sự xác định đặc tính của Gen Z chỉ là phỏng đoán và đôi khi sự xác định ấy vô tình như một lời nguyền áp lên tâm lý của thế hệ Z và cả những người lớn quan tâm đến họ.

Năm 2016, Quỹ Varkey và công ty khảo sát thị trường Populus đã thực hiện cuộc khảo sát quốc tế, kiểm tra thái độ của hơn 20.000 người, từ 15 đến 21 tuổi, tức thuộc thế hệ Z, sống tại 20 quốc gia bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Ý, Nhật Bản, New Zealand, Nigeria, Nga, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Mỹ. Kết quả cho thấy 59% trong số này hài lòng với cuộc sống cá nhân của mình. Số liệu còn cho ta biết nhiều điều thú vị về sự hài lòng của Gen Z ở mỗi quốc gia là khác nhau. 90% người Indonesia thuộc thế hệ Z tham gia khảo sát cảm thấy hạnh phúc, trong khi tỉ lệ này lại khá thấp ở các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản (28%) và Hàn Quốc (29%). Sự đo đạc hạnh phúc dựa trên 2 yếu tố: Khỏe mạnh thể chất cũng như tinh thần và mối quan hệ tốt với những người xung quanh.

Lý do dẫn đến lo lắng, căng thẳng và hạnh phúc chính là... tiền (51%) và trường học (46%). Giá trị sống mà các Gen Z theo đuổi cũng không giống nhau ở mỗi quốc gia: 27% người khảo sát cho biết họ coi trọng giúp đỡ gia đình và nỗ lực vươn lên, 26% coi trọng sự trung thực, sự quan tâm đến địa phương chỉ chiếm 6%. Tùy từng đặc trưng văn hóa mà Gen Z ở mỗi nơi lại có mối quan tâm với các giá trị khác nhau, ví dụ như 34% ở Nam Mỹ coi trọng gia đình bởi gia đình có vị trí quan trọng tại đây, trong khi 37% ở châu Phi lại đề cao chủ nghĩa cá nhân và khởi nghiệp. Những số liệu này có lẽ phần nào giúp chúng ta yên tâm hơn khi nhận ra rằng hóa ra thế hệ Z cũng không khác biệt với chúng ta đến thế.

Khi phỏng vấn sâu hơn những người thuộc thế hệ Z về yếu tố quan trọng đối với sự nghiệp thì các con số gây bất ngờ: chiếm mối quan tâm nhiều nhất là các kỹ năng công việc (24%), nhu nhập (23%) trong khi ấy danh tiếng chỉ chiếm 3%, đáng chú ý là ý nghĩa tác động đến thế giới của tổ chức và hoạt động họ tham gia chiếm 13%. Tuy không phải đa số nhưng mối quan tâm dành cho tác động đến thế giới phản ánh phần nào những lo ngại về tương lai của nhân loại, khi một thế hệ phải chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường khủng khiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và đại dịch toàn cầu... Khó có thể khẳng định số liệu này có tỷ lệ như nào với thế hệ 7X và 8X ngay trước đó, nhưng chắc chắn có sự khác biệt lớn với những người sinh vào thập niên 1960 trở về trước, khi tính toàn cầu và Internet vẫn còn là một khái niệm viễn tưởng.

Đi tìm khác biệt nội tại

Lứa "già" nhất của thế hệ Z, tính đến nay (năm 2022) đã 32 tuổi, trong khi những lứa "trẻ" nhất vẫn đang ở tuổi teen - một sự chênh lệch quá lớn. Và, có thể khi thời gian trôi qua, những bạn trẻ tuổi teen định hình tính cách cũng như dấu ấn cuộc đời mình, chúng ta sẽ nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn hoặc khi những "người già của thế hệ Z" đã qua độ tuổi niên thiếu đầy đam mê và nồng nhiệt, bắt đầu "ổn định" dần, ta lại thấy họ không khác là bao so với các thế hệ trước. Trong sự xác định đặc tính của các thế hệ, chúng ta cần phân biệt rõ những thay đổi ngoại tính, tức thay đổi ở bình diện xã hội do sự phát triển của các công cụ và môi trường sống; và thay đổi nội tại, tức thay đổi trong tư tưởng, cách thức tư duy, định chế và mục đích sống. Sự xuất hiện của Internet và thói quen tận dụng các công cụ Internet thuộc về ngoại tính, chứ không phải thay đổi nội tại. Ví dụ, các phụ huynh hẳn sẽ cảm thấy thế hệ Z thật kinh khủng khi nghe chúng văng tục trên YouTube hay lợi dụng Facebook để mua bán ma túy và cần sa. Nhưng, sự thực là, nếu không có Internet, xã hội vẫn có nhiều người văng tục và nhiều kẻ buôn bán chất cấm. Các thế hệ trước có những học sinh giỏi cấp quốc tế thì thế hệ Z cũng có những bạn nhỏ đạt 8.0 IELTS. Xét về bản chất, không có sự khác biệt. Cũng tương tự như vỉa hè hay các bãi đất hoang là chỗ tụ tập đông người, Internet là nơi có lưu lượng trao đổi khủng khiếp, nơi phản ánh tất cả mặt tốt và xấu của xã hội, thay vì trước đây "lời nói gió bay" thì giờ được lưu lại trên mạng xã hội.

Sự khác biệt nội tại chỉ diễn ra khi thế hệ này có suy nghĩ khác hoàn toàn, thậm chí là mâu thuẫn với thế hệ trước. Ví dụ như những người trẻ đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam do anh hưởng của Tây học, bắt đầu có ý thức về tự do cá nhân, về sự bình đẳng và khó chấp nhận một ông vua có quyền lực tối cao, điều này mâu thuẫn hoàn toàn với thế hệ trước vốn coi "trung quân" là sứ mệnh. Khi khác biệt nội tại giữa các thế hệ trở nên gay gắt, sự xung đột chắc chắn sẽ diễn ra nếu những người thuộc thế hệ trước không thể chuyển mình để dung hòa. Những cuộc cách mạng từ thế kỷ 18 đến 20 trên toàn thế giới là bài học lịch sử khó quên khi những khác biệt nội tại không thể đi đến một thỏa ước chung.

Internet là công cụ không thể thiếu trong đời sống của Gen Z.

Tuy rất nhiều khác biệt của thế hệ Z so với các thế hệ trước chỉ nằm ở ngoại tính, nhưng mầm mống cho khác biệt nội tại không phải không tồn tại. Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới trở thành một khối "toàn cầu", các quốc gia mở cửa giao thương và giao lưu văn hóa, sự giao thoa này mạnh mẽ tới mức từng có lúc người ta tin rằng thế giới đã... "phẳng" và nhân loại có thể cùng nhau thúc đẩy một nền kinh tế thịnh vượng chưa từng có. Nhưng, nền kinh tế toàn cầu có cái giá của nó và có lẽ những người thuộc thế hệ Z đã lờ mờ nhận ra, dù cho các bằng chứng còn nhiều sơ hở.

Cuộc khảo sát năm 2020 của Edelman Trust Barometer phỏng vấn những người ở độ tuổi từ 18 đến 34 cho một kết quả đáng kinh ngạc khi với con số 56% tin rằng "chủ nghĩa tư bản gây hại nhiều hơn là làm điều tốt cho thế giới". Con số này phần nào giúp ta hiểu hơn về mối quan tâm đặc biệt của thế hệ Z với biến đổi khí hậu. Cuộc thăm dò ý kiến từ năm 2018 những người Mỹ ở độ tuổi 13 của Pew cho thấy 54% thế hệ Z tin rằng biến đổi khí hậu là có thật và chịu tác động bởi các hoạt động của con người.

Năm 2003, Greta Thunberg - nhà đấu tranh tuổi teen bắt đầu tổ chức các cuộc vận động trên toàn thế giới về giảm thiểu biến đổi khí hậu và đến 2010, những lời kêu gọi của cô trở thành nguồn cảm hứng cho cuộc đình công vì khí hậu, khi những học sinh bỏ học ngày Thứ sáu để tham gia biểu tình yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị hành động ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Ngay trước đại dịch COVID-19, trong năm 2019, các cuộc đình công này đã lan rộng đến hơn 150 quốc gia với người tham gia mỗi cuộc từ trăm nghìn người đến hàng triệu người.

Mầm mống này mặc dù đe dọa tới hệ thống kinh tế tư bản đã quen tăng trưởng nóng nhưng cũng mở ra nhiều xu hướng mới không những với người thuộc thế hệ Z mà còn cả với những người thuộc thế hệ trước nhưng không chọn xuôi dòng theo thời thế. Sự chuyển biến mạnh mẽ này, được thúc đẩy bởi chính thế hệ Z đã mở ra các xu hướng Kinh tế chia sẻ, phong trào Kinh tế mới và Giảm tăng trưởng...

Thế hệ Z hiện nay đang ở giai đoạn đầu của cuộc đời, khi họ khẳng định cái tôi thế hệ và sẽ cần thời gian để biến những tuyên ngôn thế hệ thành hiện thực. Liệu sau những cuộc đình công vì khí hậu, bao nhiêu người sẽ thực sự cống hiến để xây dựng một nền tảng kinh tế xã hội không tổn hại đến môi trường và hệ sinh thái? Bao nhiêu người sẽ thực sự kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, nơi những mặt tối của chủ nghĩa tư bản như bất bình đẳng giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, độc quyền thị trường... sẽ bị loại trừ? Họ sẽ dung hòa như thế nào với những thế hệ đi trước vẫn tin rằng cần sở hữu nhiều tài sản trước rồi mới lo về tương lai của nhân loại?

Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/the-he-z-tu-chuyen-vuot-qua-ao-tuong-khac-biet-den-hanh-dong-cho-tuong-lai-i655128/