Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM nhưng anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1984, ngụ xã Nam Chính, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) lại bén duyên với hạt lúa, trở thành 'thủ lĩnh' của gần 3.000 hộ nông dân sản xuất lúa nếp hữu cơ xuất khẩu, giúp bà con huyện miền núi xa xôi thoát nghèo.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nếp cho các bạn trẻ
1. Những ngày giữa tháng 5, có dịp rảo chân trên cánh đồng lớn của huyện Đức Linh, chúng tôi bắt gặp những vạt lúa nếp sắp cho thu hoạch có màu vàng óng ánh, hương thơm tỏa ra ngào ngạt, khiến lòng người cũng thật nhẹ nhàng. Hỏi ra mới biết, đó là cánh đồng lúa nếp được sản xuất theo mô hình hữu cơ do anh nông dân tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TPHCM Nguyễn Trọng Nghĩa khởi xướng.
Men theo những cánh đồng, chúng tôi được Nguyễn Trọng Nghĩa kể về câu chuyện anh bén duyên với cây lúa, từ lặn lội đưa giống lúa nếp cao sản từ miền Tây về gieo sạ, đến vận động người dân tham gia sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, đến giúp người dân làm thương hiệu, xuất khẩu. Nhờ đó mà biết bao người dân nơi vùng núi xa xôi đã vượt lên cái nghèo. “Mình sinh ra và lớn lên tại xã miền núi Nam Chính của huyện Đức Linh, nơi người dân quanh năm tảo tần với đồng ruộng. Năm 18 tuổi, mình đậu vào Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Sau khi ra trường, ở lại thành phố làm việc vài năm nhưng trong thâm tâm mình luôn có ý định muốn về quê làm điều gì đó”, anh Nghĩa tâm sự. Rồi duyên số đến, năm 30 tuổi, anh Nghĩa kết hôn với chị Duyên (người Long An), cả hai đưa nhau về xã Nam Chính lập nghiệp. “Quê tôi lúc bấy giờ người dân chủ yếu trồng lúa là chính, nhưng thu nhập luôn bấp bênh vì giống lúa địa phương năng suất không cao, giá cả không ổn định, dịch bệnh xảy ra liên tục. Tôi sực nhớ quê vợ mình ở Long An, nơi có rất nhiều giống lúa năng suất cao, có thể tìm hiểu rồi đưa về giúp bà con quê hương vươn lên thoát nghèo”, anh Nghĩa kể và cho biết đã nghĩ là làm, dù không biết nhiều về đồng ruộng, nhưng vợ chồng anh quyết định về Long An khảo sát mô hình canh tác lúa nếp.
Sau khi tìm hiểu, anh Nguyễn Trọng Nghĩa đưa 2 loại giống lúa nếp có tên Sáp bè và Nếp chùm về xã miền núi Nam Chính trồng thử nghiệm. Lúc đầu anh Nghĩa vận động một vài bà con trong xã trồng nhưng ai cũng nghi ngại. Để người dân tham gia, anh Nghĩa phải cam kết cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí và bao tiêu nếu cho thu hoạch. “Lúc đầu chỉ trồng được koảng 7ha, không ngờ, giống lúa nếp phát triển vượt trội, cho năng suất cao, hạt gạo trắng và to rất phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu. Bà con mừng quá trời đất”, anh Nghĩa nhớ lại.
2. Từ những thành công bước đầu, anh Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp tục kêu gọi bà con tham gia mở rộng diện tích sản xuất. Đến năm 2017, anh Nghĩa vận động một số người thân, bạn bè thành lập HTX Nông nghiệp Công Thành, huy động hơn 4 tỷ đồng mua phân, thuốc, giống, đầu tư ứng trước cho nông dân để mở rộng sản xuất. Đến nay, HTX đã kêu gọi được khoảng 3.000 hộ dân không chỉ ở huyện Đức Linh mà còn ở nhiều xã của các huyện lân cận tham gia trồng lúa nếp theo mô hình hữu cơ, với diện tích trên 2.000ha. “Đến nay, mỗi năm chúng tôi thu mua khoảng 40.000 tấn lúa nếp của bà con, sau đó giao cho đơn vị khác chế biến rồi xuất khẩu toàn bộ qua các nước, như Indonesia, Malaysia, Philippines...”, anh Nghĩa cho biết. Ông Nguyễn Chí Dũng, một nông dân tham gia sản xuất lúa nếp ngụ huyện Đức Linh, phấn khởi: “Gia đình tôi hiện đang canh tác lúa nếp hữu cơ trên diện tích 9ha. Trước đây, khi chưa tham gia sản xuất lúa nếp theo mô hình hữu cơ của anh Nghĩa, năng suất lúa chỉ khoảng 17 tấn/ha/năm, giá bán ra bấp bênh, lợi nhuận ít; nhưng nay năng suất đã tăng lên 20 tấn/ha/năm, giá bán luôn ổn định, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng”.
Ông Trương Quang Đến, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh bày tỏ: “Với hình thức hỗ trợ đầu tư ban đầu về phân bón, giống, sau đó bao tiêu sản phẩm cho bà con, mô hình của anh Nghĩa không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương mà còn phát huy được thương hiệu lúa nếp đặc trưng của huyện nhà”.
Nguồn: sggp.org.vn