Thuê 2 ông chủ 'tai tiếng' của Leflair, Maison Group nói gì?

Trao đổi với Zing, ông Lê Minh Nhựt - Giám đốc nhân sự của Tập đoàn Maison - khẳng định không có hợp đồng lao động giữa Tập đoàn Maison và 2 nhà sáng lập Leflair. Thực tế, ông Pierre Antoine Brun và ông Loic Gautier ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn với Maison để hỗ trợ tập đoàn này xây dựng và phát triển hệ thống vận hành.

Trước mắt, hợp đồng tư vấn kéo dài 3 tháng. Với các chức danh giám đốc vận hành và giám đốc phát triển, hai vị này phối hợp với các bộ phận liên quan để tìm hiểu tình hình thực tế của Maison, từ đó đưa ra tư vấn phù hợp.

"Việc hợp tác này là giữa công ty và 2 cá nhân, không liên quan gì đến Leflair. Chúng tôi có biết các lùm xùm về công nợ của Leflair nhưng đó là vấn đề của công ty Leflair. Chúng tôi chỉ sử dụng chất xám của 2 cá nhân này", ông Lê Minh Nhựt khẳng định.

Ông Pierre Antoine Brun và Loic Gautier trong cuộc gặp cuối cùng với các nhà cung cấp của Leflair ngày 10/3.

Đồng thời, liên quan đến thông tin Maison là một trong số các chủ nợ của công ty Leflair, vị này xác nhận hai pháp nhân Maison và Leflair không có công nợ với nhau ở thời điểm hiện tại. Ông cho biết việc hợp tác giữa 2 đơn vị diễn ra trong năm 2018 và 2019, tất cả công nợ đã được tất toán vào cuối năm 2019.

Theo một thông báo nội bộ của Maison ngày 4/5, ông Pierre Antoine Brun được bổ nhiệm làm giám đốc vận hành, phụ trách công nghệ thông tin, kế toán, hậu cần, chương trình thành viên và mảng thương mại điện tử của tập đoàn này. Trong khi đó, ông Loic Gautier đảm nhiệm vị trí giám đốc phát triển, liên quan đến các vấn đề về thương hiệu, quảng cáo và trải nghiệm khách hàng.

Việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu giá rẻ Leflair chưa giải quyết xong các thủ tục tuyên bố phá sản, cũng như công nợ và hàng hóa cho khoảng 500 nhà cung cấp, dù đã đóng cửa từ đầu tháng 2.

Sau khi nắm được thông tin này, từ trưa 5/5, nhiều nhà cung cấp đã trực tiếp bày tỏ thái độ phản đối bằng cách sử dụng tính năng "không đề xuất" trên fanpage chính thức của Maison trong mảng thương mại điện tử.

Trong 4 năm hoạt động, Leflair đã kêu gọi gần 12 triệu USD trong các vòng gọi vốn, từ đó phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu ước đạt hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách hàng cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, theo thông báo chính thức gửi các nhà cung cấp hồi đầu tháng 2, do áp lực về nguồn vốn, Leflair sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam và tập trung kinh doanh hàng xuất nhập khẩu.

Tại cuộc gặp mặt với hơn 100 nhà cung cấp ngày 10/3, Leflair cho biết sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản và cam kết xử lý công nợ, hàng hóa cho đối tác. Mặc dù vậy, đến nay, các nhà cung cấp chưa được thanh toán, một số đơn vị cũng chưa thể lấy hàng về do vướng mắc thủ tục với công ty vận chuyển.


Nguồn: Báo VTC