Tiêu 5-7 triệu đồng/tháng vì bão giá, sinh viên tìm cách tăng thu nhập

Thay vì chấp nhận việc giá cả leo thang và co kéo trong mức thu nhập vốn có, cắt giảm quá mức những khoản cần thiết, nhiều sinh viên tìm cách tăng thu nhập cho bản thân.

22h hàng ngày, sau khi hoàn thành công việc cá nhân, Chu Duyên (20 tuổi) lại ôm lấy máy tính, điện thoại để kiểm tra đơn hàng, tính tiền cho khách đến đêm.

“Đến nay, mình đã nghiêm túc kinh doanh được 6 tháng, bắt đầu từ lúc cơn bão giá xuất hiện. Nhờ có nó, mình có thêm nguồn thu nhập, đỡ chật vật hay phải tiết kiệm quá mức khi giá cả tăng theo từng ngày”, Chu Duyên (sinh viên năm 3, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với Zing.

Không thể cắt giảm chi tiêu

Bão dịch vừa qua, bão giá ập tới. Chu Duyên ở trọ cùng bạn đại học ở Hà Nội đắt đỏ. Mỗi tháng, Duyên dành khoảng 2 triệu đồng trả tiền thuê trọ và tiền điện nước, 2 triệu đồng cho tiền ăn uống và xăng xe và một triệu đồng cho những việc phát sinh khác.

Mỗi tháng, tiền sinh hoạt cũng đã ngốn hết trên dưới 5 triệu đồng. Cùng với tiền trợ cấp của bố mẹ và công việc gia sư, kinh doanh nhỏ làm thêm, Duyên cũng đủ co kéo chi tiêu trong khả năng của mình.

Tuy nhiên mấy tháng nay, bão giá ập tới, nữ sinh không khỏi “sốc” khi nhìn đâu cũng thấy tăng chứ không giảm. Duyên nhớ trước kia, khi giá xăng còn chưa đến 20.000đ đồng/lít, cô thường xuyên cùng bạn bè chạy xe khám phá từng ngóc ngách của Hà Nội. Nhưng từ ngày giá xăng tăng phi mã, thói quen này dường như không còn xuất hiện với Duyên.

Hiện tại, nữ sinh chỉ dám dùng xe máy khi đi từ nhà tới trường. Thậm chí, những ngày cuối tuần muốn về quê, Duyên chấp nhận đi xe buýt để tiết kiệm tiền xăng. Xăng tăng kéo theo mọi vật giá cũng leo thang. Duyên cho biết hiện tại đi chợ, nữ sinh mua một quả chanh cũng 2.000 đồng, một bó rau mất 10.000 đồng, dầu ăn có loại cũng đã tăng lên 70-80.000 đồng/chai.

“Có những ngày mùa hè nóng nực, mình định mua cốc nước mía mà thấy treo giá 10.000 đồng, đắn đo mãi, cuối cùng, mình 'quay xe', quyết định về nhà uống nước lọc”, Duyên chia sẻ.

Duyên cùng bạn cùng phòng cũng tính nhiều cách để thích nghi với hoàn cảnh, bao gồm việc tiết kiệm hơn, cắt giảm bớt các khoản chi tiêu hết mức có thể.

Nhưng với khoản tiền 5 triệu đồng hàng tháng, Duyên nhận định cắt giảm, tiết kiệm quá mức không phải là cách tốt bởi những khoản cố định như tiền trọ, điện, nước, ăn uống, xăng xe không thể cắt bỏ. Nữ sinh chỉ có thể cắt giảm được phần nào những chi phí phát sinh.

Cũng giống như Duyên, Quang Duy (sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết cậu không thể cắt giảm, co kéo quá mức các khoản sinh hoạt phí hàng ngày.

Quang Duy cho biết cậu không thể cắt giảm, co kéo quá mức các khoản sinh hoạt phí hàng ngày. Ảnh: NVCC.

Mặc dù còn là sinh viên, từ năm 3, nhờ công việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, Duy thu nhập 8-9 triệu mỗi tháng. Chính vì vậy, nam sinh vừa có thể để ra một khoản đóng học phí và thoải mái trong việc chi trả sinh hoạt hay các nhu cầu cá nhân như giải trí. Mỗi tháng, tất cả khoản chi tiêu và để dư đóng học phí của Duy lên tới 7 triệu đồng.

Song khi giá cả tăng lên nhưng thu nhập chưa có thay đổi nhiều, Duy phải tạm thời điều chỉnh chi tiêu. Nam sinh khá đau đầu trong khoản này bởi theo cậu, nhiều khoản có thể không cần thiết với người khác nhưng cậu lại không thể cắt bỏ được vì đó là khoản phải chi để phát triển công việc kinh doanh.

“Nếu có cắt giảm, mình cũng chỉ bớt được số nhỏ, không đáng kể so với tổng chi”, Quang Duy cho biết.

Kiếm thêm tiền trước khi nghĩ đến tiết kiệm

Quang Duy nhận định bản thân còn trẻ lại được học hỏi và trải nghiệm nhiều, chính vì vậy, trước khi nghĩ cách làm thế nào để tiết kiệm, cậu phải tìm cách chăm chỉ, nỗ lực để có thu nhập nhiều hơn.

Mấy tháng vừa rồi, khi giá cả tăng liên tục cũng là lúc Duy gần như hoàn thành xong chương trình học, nam sinh có nhiều thời gian hơn cho công việc kinh doanh. Ngoài mặt hàng đã làm từ trước, Duy chủ động tìm thêm các mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ để kinh doanh thêm.

Với những kinh nghiệm, kỹ năng trước đó, Duy dễ dàng trong việc tìm kiếm nguồn hàng, làm các công việc quảng cáo, marketing để đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng, thúc đẩy việc bán được nhiều hàng hơn.

“Sau gần nửa năm, thu nhập từ kinh doanh cả 2 mặt hàng khá ổn định. Nó có thể không cao với nhiều người nhưng đối với mình, khoản thu nhập đó đủ để mình vẫn chi tiêu ổn thỏa trong thời bão giá như hiện nay”, Duy chia sẻ.

Chung suy nghĩ với Duy, Chu Duyên cho biết việc “thắt lưng buộc bụng” là cần thiết nhưng không thực sự hiệu quả về lâu dài hoặc nếu áp dụng sai cách. Nữ sinh chủ động tìm cách tăng thêm thu nhập cho bản thân, vừa để phụ giúp được bố mẹ lại vẫn thoải mái trong chi tiêu.

“Mình nghĩ chúng ta luôn có thể tìm kiếm một nguồn thu nhập khác. Tiết kiệm quá mức không phải là cách để vượt qua bão giá", Duyên tự tin nếu mình có quyết tâm, không gì là không thể.

Duyên cho biết trước đây, cô chỉ đi dạy gia sư mỗi tuần một buổi, hiện tại, cô tăng lên 3 buổi với mức giá 200.000-250.000 đồng/buổi. Trong quá trình dạy, Duyên chú trọng đến chất lượng đầu ra của học sinh, vừa là cách cô rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức sư phạm vừa để phụ huynh tin tưởng và sẵn sàng trả học phí cao.

Tùy nhiên, Duyên nhận thấy 3 buổi dạy mỗi tuần là chưa đủ. Với sự nhanh nhạy của bản thân, nữ sinh tìm hiểu nhiều hơn về kinh doanh và mở rộng sang buôn bán sỉ thay vì chỉ bán lẻ như trước đây. Mặt hàng cô chọn là các loại bánh tráng, phù hợp với nhu cầu của giới trẻ hiện nay.

Nữ sinh tự tìm hiểu việc buôn bán, sử dụng các trang mạng xã hội để đưa sản phẩm đến gần khách hàng, tự quay video, chụp ảnh quảng cáo cho mặt hàng của mình. Một ngày vẫn có 24 giờ nhưng thay ngồi lướt mạng như trước đây, hiện tại, Duyên hạn chế thời gian trống hết mức có thể.

Cứ có thời gian rảnh, Duyên lại ôm máy tính, điện thoại để kiểm tra đơn hàng, trả lời tin nhắn khách. Cuối ngày, cứ 22h, nữ sinh lại ngồi tính số lượng đơn trong ngày, báo nhân viên tổng hợp lại để tính tiền.

Cô cũng tranh thủ cuối tuần chụp thêm ảnh sản phẩm hay làm video để quảng cáo. Thỉnh thoảng, Duyên nhận thêm review sản phẩm cho các thương hiệu và kiếm tiền thụ động qua tiếp thị liên kết.

Để cân bằng công việc với học hành, Duyên chọn cách mỗi ngày cô đều dậy sớm học bài, làm giáo án. Nữ sinh nhận thấy khung giờ này cô làm việc, học tập nhanh, hiệu quả hơn.

Với số tiền kiếm được, Duyên đã thực hiện được sở thích đi du lịch, khám phá được nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc giữa thời bão giá. Ảnh: NVCC.

Dần dần, với số vốn 500.000 đồng ban đầu góp cùng bạn thân để kinh doanh, giờ đây, có tháng, Duyên thu nhập đến 20 triệu đồng.

Giữa cơn bão giá, Duyên vẫn có thể ăn những món ăn mình thích, mua những món đồ mình muốn mua. Ngoài ra, nữ sinh tự đóng học phí những lớp học kỹ năng mềm, tự mua giáo trình và sách để phát triển bản thân. Đặc biệt, với số tiền kiếm được, Duyên thực hiện sở thích đi du lịch, khám phá được nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc.

“Lương gia sư cố định nhưng lợi nhuận của việc kinh doanh lại luôn biến đổi, tháng ít, tháng nhiều. Tuy nhiên, mình không thể phủ nhận từ khi có nhiều nguồn thu nhập, cuộc sống của mình khá hơn rất nhiều và đỡ đần được cha mẹ”, Duyên hạnh phúc khi làm được nhiều việc.

Chuẩn bị cho tương lai

Không chỉ kinh doanh để kiếm thêm thu nhập vượt qua thời bão giá, Quang Duy hay Chu Duyên đều cho biết công việc này cũng nằm trong kế hoạch và dự định riêng cho tương lai mỗi người.

Duyên cho biết sau khi ra trường, ngoài công việc sư phạm, cô sẽ song song làm công việc kinh doanh để có thể dễ dàng làm chủ cuộc đời mình. Việc kinh doanh ở hiện tại là sự chuẩn bị cho tương lai sau này.

Bên cạnh đó, Duyên nhận định: “Trước kia là bão dịch, bây giờ là bão giá và chúng ta không thể biết một loại 'bão' nào sẽ kéo đến trong tương lai”.

Chính vì vậy, cô nghĩ cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức, kỹ năng, lập kế hoạch để có thể vượt qua những khó khăn bất ngờ trong cuộc sống.

“Không biết trong tương lai, mình sẽ trở thành con người như thế nào, nhưng hiện tại, mình vẫn đang cố gắng học hỏi thật nhiều, trau dồi những kỹ năng trong và ngoài ngành để trở thành một người làm chủ cuộc đời mình”, Duyên khẳng định.

Còn đối với Quang Duy, việc kinh doanh thêm một mặt hàng mới hay xây dựng mô hình kinh doanh đối với cậu là dự định trước đó chứ không phải chỉ mới nghĩ tới khi bão giá xảy ra.

Hiện tại, Duy đang học ngành Kỹ thuật cơ khí động lực - chuyên ngành Ôtô. Vì vậy, với việc xây dựng và tìm hiểu kinh doanh từ sớm, Duy hy vọng khi có số vốn và kiến thức nhất định, nam sinh có thể tiến tới kinh doanh các mặt hàng về phụ tùng ôtô.

“Việc giá cả leo thang chỉ thúc đẩy để quá trình mình xây dựng, làm việc diễn ra nhanh hơn và bản thân mình phải quyết liệt hơn thôi”, Quang Duy chia sẻ.

 

Nguồn: zingnews.vn