Tỷ phú lẩu Haidilao trở thành người Singapore, dân Trung Quốc nổi giận

Trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore do Forbes Asia công bố, doanh nhân Zhang Yong, 50 tuổi, là người đứng đầu. Sở hữu khối tài sản 13,8 tỷ USD, ông Zhang vượt qua anh em Philip Ng và Robert Ng.

Hai ông chủ của Far East Organisation và Sino Group sở hữu tổng tài sản 12,1 tỷ USD và đã nắm giữ ngôi vị số một trong danh sách các đại gia giàu nhất đảo quốc sư tử suốt 10 năm qua.

Zhang Yong xuất hiện trong bảng xếp hạng 50 người giàu nhất Singapore vì nhập quốc tịch nước này trong năm nay. Việc chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao được niêm yết trên Sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 2018 giúp tài sản của tỷ phú Zhang tăng đáng kể.

Tỷ phú Zhang Yong trở thành người giàu nhất Singapore với tài sản 13,8 tỷ USD. Ảnh: Getty.

Bị dân Trung Quốc tẩy chay

Tuy nhiên, việc trở thành người giàu nhất quốc gia Đông Nam Á khiến tỷ phú gốc Trung Quốc đối mặt với áp lực dư luận lớn tại quốc gia quê hương. Theo South China Morning Post, sau khi biết ông Zhang trở thành công dân Singapore, nhiều cư dân mạng Trung Quốc phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay chuỗi nhà hàng Haidilao.

Không ít người cho rằng việc ông Zhang trở thành người Singapore là một bằng chứng cho thấy dòng tiền khổng lồ từ Trung Quốc đang chảy đến đảo quốc sư tử và những nơi khác trong khu vực.

Giới quan sát cho biết thông thường, Hong Kong là lựa chọn hàng đầu của giới siêu giàu Trung Quốc khi cần "trú ẩn", nhưng bất ổn chính trị tại thành phố này kéo dài nhiều tháng qua đã khiến họ tìm những địa điểm mới.

“Kiếm tiền từ Trung Quốc, nhưng chi tiêu và mua sắm ở nước ngoài, rồi lại tuyên bố mình yêu quê hương. Có quá nhiều người như vậy ở giới thượng lưu Trung Quốc ngày nay hành xử như vậy”, một người dùng mạng xã hội Weibo bức xúc.

Ông Zhang bị cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay sau khi nhập tịch Singapore. Ảnh: Bloomberg.

“Tiền ông ta có được từ đâu? Chẳng phải nhờ vào những thực khách Trung Quốc đã ủng hộ Haidilao hay sao? Bây giờ hãy tẩy chay nhà hàng này. Ngay cả một ông trùm giàu có cũng sẽ nghèo khó thôi!”, một người dùng Weibo khác tức giận.

Đây không phải là lần đầu tiên tỷ phú Zhang và chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao bị chỉ trích. Năm 2017, 2 chi nhánh của Haidilao tại Bắc Kinh phải tạm ngưng hoạt động vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết.

Một chi nhánh ở Singapore bị đóng cửa trong 2 tuần do vi phạm quy trình xử lý thực phẩm. Nhân viên của Haidilao bị phát hiện chế biến thức ăn bằng tay không. Có tin một số nhà hàng Haidilao thậm chí có chuột.

Nhằm lấy lại niềm tin nơi khách hàng, trước thời điểm Haidilao IPO, ông Zhang đã cam kết sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại trong việc xử lý thực phẩm. Chuỗi nhà hàng cũng đã hợp tác với Panasonic để thử nghiệm bếp tự động tại Bắc Kinh trong năm 2018.

Từ một nhà hàng lẩu nhỏ

Haidilao khởi điểm là một nhà hàng lẩu nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, được Zhang Yong thành lập vào năm 1994. Còn ông Zhang trước đây tốt nghiệp một trường dạy nghề ở thành phố Thành Đô.

Sau 6 năm làm việc tại xưởng sản xuất máy kéo và một vài lần kinh doanh thất bại, ông quyết định đầu tư mở nhà hàng với vợ cùng một vài người bạn.

“Tôi lúc đó không có một xu dính túi, những người còn lại mới thực sự đầu tư, dù tổng số vốn chưa đến 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.400 USD)”, Zhang trả lời phỏng vấn tờ The Economic Observer của Trung Quốc vào năm 2011.

“Dù không góp nhiều tiền, nhưng tôi đã đảm nhận vị trí giám đốc và hứa với những người khác rằng giá trị công ty sẽ lên đến 150.000 NDT (gần 21.200 USD) trong vòng 5 năm. Và nếu không đáp ứng mục tiêu, tôi sẽ đền bù cho họ”, ông Zhang kể.

Haidilao ban đầu chỉ là một nhà hàng nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Caixin.

Nhà hàng nhỏ của Zhang nhanh chóng vượt qua các đối thủ cạnh tranh tại địa phương. “Ban đầu, chúng tôi chỉ có một nhà hàng ở thành phố Giản Dương. Sau vài tháng, chúng tôi trở thành nhà hàng lớn nhất tại đó, và mọi người nghĩ tôi điên vì đổ tất cả tiền vào ngành kinh doanh ẩm thực này. Đến năm 1998, chúng tôi khai trương nhà hàng thứ 2”, Zhang Yong cho biết.

Những năm qua, hoạt động kinh doanh của Haidilao, nổi tiếng với các món ăn cay, ngày càng phát triển. Doanh nghiệp này trở thành thành một chuỗi nhà hàng khổng lồ với 600 địa điểm khắp thế giới, bao gồm các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Khi Haidilao được niêm yết trên Sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 2018, số lượng cổ phiếu được đăng ký mua vượt 20 lần so với dự kiến. Giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi kể từ tháng 9/2018, giúp công tỷ đạt giá trị vốn hóa lên đến 25 tỷ USD.


Nguồn: Báo Zing