Việt Nam đi nhanh trong việc ứng dụng công nghệ AI

Ứng dụng công nghệ phù hợp đi cùng với phát triển tài năng, nguồn nhân lực có thể là chìa khóa giúp Việt Nam chuyển đổi số nhanh, kịp thời.

Bà Agnes Heftberger, đại diện IBM tại khu vực ASEANZK

Chuyển đổi số đang là "từ khóa" quen thuộc trong vài năm qua, khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng và nhanh chóng tham gia quá trình chuyển đổi. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các nền tảng công nghệ trong nước cũng được đưa ra nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các nền tảng số Make in Vietnam.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Agnes Heftberger, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM tại khu vực ASEANZK (gồm các nước ASEAN cùng New Zealand, Hàn Quốc), việc thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không đồng nghĩa loại trừ những doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế là những công ty lâu năm như IBM hoàn toàn có thể hỗ trợ, làm nền tảng cho doanh nghiệp công nghệ Việt tiếp tục phát triển.

Về khía cạnh công nghệ, bà Heftberger nhận định đám mây lai (hybrid cloud) và AI là những công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Việt Nam đang có lợi thế khi phát triển 2 lĩnh vực này rất nhanh chóng.

Với công nghệ AI, Việt Nam đứng thứ 62/160 trong bảng xếp hạng quốc gia về chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index), do Oxford Insights khảo sát năm 2021. Đây là mức trên trung bình, và cũng được đánh giá cao so với khu vực.

"Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây nhanh nhất khu vực ASEAN", bà Agnes Heftberger nhận định trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 20/9.

Việc đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số đã không còn là một rào cản, gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp khi quan niệm của người đứng đầu thay đổi. Theo đại diện của IBM, các doanh nghiệp hiện nay không coi chuyển đổi số là một chi phí nữa, thay vào đó coi đây là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt cho doanh nghiệp so với các đối thủ.

"Sự thay đổi quan điểm của lãnh đạo các doanh nghiệp đã khiến cho việc ứng dụng AI, chuyển đổi số đang được tăng tốc nhanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới", bà Agnes Heftberger nhận định.

Để chuyển đổi số thành công, đại diện IBM cho rằng có 2 yếu tố luôn thiếu và cần liên tục cải thiện. Đầu tiên là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề. Do vậy, việc đào tạo một thế hệ nhân lực mới, có đủ trình độ để tham gia quá trình chuyển đổi số là rất quan trọng. Đó là lý do các doanh nghiệp lớn như IBM đầu tư, hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo tại Việt Nam để cung cấp những khung chương trình, tài liệu cập nhật công nghệ mới nhất.

Yếu tố thứ hai, theo bà Heftberger, là thời gian. Các doanh nghiệp muốn thành công cần bắt tay vào chuyển đổi số ngay bây giờ, không nên chờ đợi nữa.

Tại buổi gặp mặt, đại diện IBM cũng chia sẻ một số ví dụ về ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông.

“Chuyển đổi số là hành trình không có điểm cuối, doanh nghiệp liên tục đầu tư ứng dụng trông bối cảnh công nghệ cũng liên tục thay đổi”, bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM Việt Nam nhấn mạnh.

Nguồn: zingnews.vn