Vua tái canh cà phê mở rộng diện tích

Sau 3 năm tái canh, vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Quang Triều (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) phát triển mạnh. Ảnh: M.H.

Cà phê phát triển vượt trội

Sau 2 mùa mưa, những cây cà phê trên khu vườn 0,6ha của gia đình ông Nguyễn Xuân Trung (xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) đã vươn mình cứng cáp. Tất cả cây trong vườn đều đạt được chiều cao gần 2m với chi chít cành sải dài từ 1 - 1,5m.

Chỉ tay vào ngọn cây, ông Trung chia sẻ, theo kỹ thuật mới nên khi cây đạt chiều cao từ 1,5m trở lên là gia đình bấm đọt để cây phát triển tán. Hiện tại, mỗi cành sải ra đều có từ 10 - 15 mắt mọc chi chít trái non.

Gia đình ông Trung trồng cà phê từ những năm 1980, đến khoảng năm 2017 thì cây trên vườn bắt đầu già cỗi, năng suất kém. Xác định cà phê vẫn là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, đến năm 2018, gia đình ông bắt đầu cắt bỏ cây già để trồng mới. Mùa mưa năm 2018, sau nửa năm cải tạo đất theo các điều kiện, tiêu chuẩn, ông được dự án VnSAT hỗ trợ giống cùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để trồng mới.

Bước đi giữa những hàng cà xanh ngát, ông Trung vui mừng thổ lộ: “Đợt đấy nếu cứ làm theo kiểu cũ, không tham gia vào dự án VnSAT chắc giờ vườn không được thế này. Trong xã, có mấy gia đình tái canh cùng lúc với gia đình tôi nhưng họ làm theo kiểu cũ nên tỉ lệ cây chết nhiều lắm. Cây chết thì họ lại mua cây con về trồng dặm nên thành ra cả vườn trông nhấp nhô cây lớn, cây nhỏ”.

Cũng theo ông Trung, trước đây, nhờ cải tạo đất kỹ và thực hiện đúng kỹ thuật nên dịch bệnh được kiểm soát, cây phát triển mạnh. Nền đất được cải tạo kỹ nên có độ tơi xốp cao, vi sinh vật nhiều. “Tái canh mới 2 năm nhưng mùa rồi vườn cho thu bói hơn 1 tấn cà tươi”, ông Trung chia sẻ.

Áp dụng quy trình tái canh mới, vườn cà phê của hộ anh Phạm Anh Tuấn xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) phát triển vượt trội. Ảnh: M.H.

Ông Nguyễn Xuân Trung, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông: Tôi mong VnSAT làm thêm nhiều dự án để bà con đỡ khổ hơn. Ở địa phương tôi, cây cà phê làm đúng quy trình chuẩn sẽ phát triển mạnh và cho trái nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây giá liên tục xuống thấp nên nhiều gia đình muốn đầu tư thêm cũng không có vốn. Tôi rất mong dự án VnSAT tiếp tục hỗ trợ nông dân.

Theo ông Trung, vườn cây phát triển mạnh, vượt trội so với các vườn khác nên người dân trong khu vực thường lui tới hỏi về quy trình chăm sóc. Nhiều nông dân thấy giống tốt cũng ngỏ ý xin chồi về ghép cải tạo.

Đối với những người muốn học hỏi kinh nghiệm, ông Trung tiếp đón nhiệt tình, rồi lấy vốn kiến thức học được từ các chương trình tập huấn của dự án VnSAT ra truyền đạt lại cho họ. Nhiều gia đình học kinh nghiệm xong chưa yên tâm, ông Trung đến tận vườn vừa hướng dẫn vừa làm giúp.

Tại thôn Hoàn Kiếm 3 (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), vườn cà phê 3ha của gia đình anh Phạm Anh Tuấn đang phát triển mạnh mẽ, trên những sải cành, trái non mọc lên chi chít.

Anh Tuấn là thế hệ thứ 2 trong gia đình bén duyên với nghề trồng cà phê. Khi cha mẹ anh bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, anh được ông bà giao lại khoảnh đồi với tổng diện tích lên đến 3ha.

Vào năm 2015, khi cây trong vườn già cỗi, năng suất thấp, Tuấn quyết định chặt bỏ 1ha và thực hiện trồng luân canh hoa màu, thực hiện cải tạo đất trong 2 năm.

Đến mùa mưa năm 2017, anh bắt đầu tái canh cà phê với giống mới của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) kết hợp phân bón, kỹ thuật chăm sóc của dự án VnSAT. Sau 3 năm, 1ha vườn già cỗi ngày nào đã trở thành vườn cà phê xanh tốt, có sức sống mạnh mẽ.

Làm chủ quy trình VnSAT, tự bỏ vốn tái canh

Ở xã Đức Minh (huyện Đăk Mil, Đăk Nông), ông Nguyễn Quang Triều được biết đến là hộ gia đình nhiều đất, vườn rộng với khoảng trên 5ha. Ông Triều trồng cà phê từ năm 1988. Hai năm trước, khi lứa cà đầu tiên già cỗi, ông quyết định thực hiện tái canh theo phương thức trồng mới với diện tích 2 ha.

Từ mô hình tái canh hiệu quả của dự án VnSAT, nhiều hộ dân chủ động mở rộng diện tích tái canh. Ảnh: M.H.

Dự án VnSAT hỗ trợ tái canh 0,5ha. Khi biết thực hiện tái canh theo quy trình mới, khoa học, ông Triều tự bỏ vốn để tái canh thêm 1,5ha còn lại theo đúng quy chuẩn.

“Tái canh theo chương trình dự án VnSAT cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng suy cho cùng đó là cách làm khoa học, kiểm soát được dịch bệnh, phát triển cà phê mang lại chất lượng cao nên tôi quyết tâm tái canh.

Đến nay, sự đầu tư, cố gắng của tôi đã được đền đáp, khi 2ha cà phê tái canh bằng giống TR4, TR9 của viện WASI năm nào cứ thế lớn như thổi. Cây phát triển mạnh, đạt chiều cao 1,6m, tán cũng rộng trên 2m, trái nhiều. Năm nay sẽ là năm cho thu hoạch chính. Dự kiến thu khoảng 3-4 tấn nhân”, ông Triều cho hay.

Ông Triều sẽ thực hiện tái canh diện tích cà phê 3ha trồng năm 1994, 1995 còn lại vào năm 2021. “Năm rồi 3ha cà phê cũ cho thu hoạch chưa đến 9 tấn nhân, tính ra thì lỗ. Do vậy tôi quyết định tái canh vào năm sau. Lứa đầu tiên tái canh tốt nên lứa sau tôi vẫn tiếp tục thực hiện các quy trình đó”, ông Triều khẳng định.

Gia đình ông Nguyễn Quang Triều (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) tự mở rộng tái canh thêm 1,5ha theo quy chuẩn VnSAT. Ảnh: M.H.

Trước sự thành công của lứa tái canh đầu tiên, gia đình anh Phạm Anh Tuấn (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cũng đang lên kế hoạch tái canh cho diện tích vườn già cỗi còn lại. Anh chia sẻ, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, nuôi sống gia đình nên việc tái canh rất cần thiết.

Hiện nay, anh đã thực hiện trồng xen bơ vào 1ha cà phê mới tái canh để đảm bảo nguồn thu trong những năm tới. Khi cà phê và bơ ở diện tích này cho thu nhập ổn định, gia đình sẽ tiến tới tái canh 2ha còn lại và vẫn chọn quy trình VnSAT để tái canh dù dự án không còn hỗ trợ.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông cho biết, ghi nhận trên các mô hình tái canh năm thứ 3 ở địa phương đều rất tốt. Tỷ lệ cây sống trên 90% và dịch bệnh ít hơn so với các mô hình tái canh truyền thống.

Trước khi tái canh, việc lấy mẫu đất để phân tích tuyến trùng được làm kỹ nên đã hạn chế được dịch bệnh. Hiện nay, ngoài các mô hình tái canh do dự án VnSAT hỗ trợ, nhiều hộ dân nhận thấy quy trình mới mang lại hiệu quả nên cũng tự thực hiện theo quy trình của VnSAT để mở rộng diện tích tái canh.

Theo Ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng, tổng diện tích cà phê tái canh, cải tạo giống cà phê ở địa phương trong năm 2019 vào khoảng 8.129ha (đạt 116% so với kế hoạch), lũy kế giai đoạn 2013-2019 toàn tỉnh đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo 62.512ha (vượt kế hoạch đề ra). Trong đó, diện tích tái canh cà phê chè là 1.258ha, diện tích tái canh cà phê vối là 26.283ha, diện tích ghép cải tạo khoảng 34.975ha.


Nguồn: Báo Nông Nghiệp