Xứ sở cam Hà Tĩnh dự kiến thu hơn 360 tỷ đồng từ 14.500 tấn quả

Được trồng trên vùng đồi đá vôi, được chăm sóc cẩn thận, cam cho quả mùa thứ 2 trở đi nên vườn cam của gia đình ông Trần Văn Bính (Ân Phú) hứa hẹn sẽ mang về nguồn thu nhập lớn

Cũng như nhiều gia đình khác, những ngày này, gia đình ông Trần Văn Bính ở thôn 1, xã Ân Phú (Vũ Quang) dường như bận rộn hơn bởi vụ thu hoạch cam bắt đầu.

Nhà chỉ có hai ông bà, lại muốn tự tay thu hoạch để vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ vườn cây nên ngay từ sáng sớm, 2 vợ chồng đã có mặt tại vườn cam để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Để thu hoạch kịp thời vụ, hạn chế số lượng quả hư hỏng, cũng như đảm bảo sản chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường, ông bà phải lựa chọn kỹ những cành, những cây cần thu hoạch, những chùm quả cần cắt tỉa...

Để thu hoạch kịp thời vụ, hạn chế hư hỏng, thời tiết tác động, ông Bính lựa chọn những chùm quả phù hợp để thu hoạch tỉa.

Ông Bính thông tin thêm: “Năm ngoái, vườn cam 500 gốc của gia đình tôi đã mang về nguồn thu gần 300 triệu đồng, còn năm nay số diện tích cho quả tăng lên và giá cả từ đầu vụ khá ổn nên dự kiến thu nhập sẽ cao hơn.

Mặt khác, do vườn cam gia đình được chăm sóc tốt, nằm ngay dưới chân vùng đá vôi nên quả rất ngọt, đẹp, thu hoạch và phân loại xong là có thương lái đến tận nhà thu mua, không lo ế, không phải mất công mang đi chợ”.

Chị Ngô Thị Hương Thủy (Đức Hương) tranh thủ thu hoạch những cây cam cho quả bói trong vườn để khoảng 10 ngày tới dồn sức cho việc thu hoạch cam ở trang trại

Tuy diện tích ít, quy mô nhỏ nhưng niềm vui ngày thu hoạch cũng được thể hiện trên khuôn mặt đầy phấn khởi của anh Đường – chị Thủy ở thôn Hương Hòa, xã Đức Hương.

Anh Đường cho biết, cách đây gần 1 tuần, gia đình đã bắt đầu lựa chọn cam để thu hoạch dần. Dự kiến năm nay, gia đình sẽ có thêm nguồn thu từ 70-80 triệu đồng từ cây cam và hiện đã được hơn 10 triệu đồng...

Đức Lĩnh là một trong những xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện. Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh thông tin: “Vụ cam năm nay, do các vườn cam đang trong độ tuổi sung mãn nên 350 ha cam trên địa bàn xã dự kiến sẽ cho sản lượng khoảng 600 tấn. Đến thời điểm này, bà con nhân dân đã bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.

Dù đầu vụ cam chưa thực sự ưng ý nhưng người làm vườn đã có thể bán với mức giá 23-25 ngàn đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Khoảng 10 ngày tới sẽ vào chính vụ thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập lớn”.

Cũng như nhiều gia đình khác ở Hương Điền, từ vụ này trở đi, gia đình ông Trần Viết Châu (thôn Hoa Thị) sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ cây cam

Dù diện tích cam trên địa bàn không nhiều nhưng ông Nguyễn Khánh Trình - Chủ tịch UBND xã Hương Điền vẫn phấn khởi: “Năm nay, diện tích cam cho quả trên địa bàn đã tăng lên đạt 90 ha, năng suất khoảng 7 tấn/ha (do cam mới cho quả mùa đầu và mùa thứ 2 nên năng suất thấp hơn mặt bằng chung - PV), sản lượng ước đạt 63 tấn.

Tuy không nhiều như các xã khác trong huyện nhưng bà con rất vui vì nó sẽ mang về một nguồn tiền đáng kể để cải thiện mức thu nhập, cuộc sống cho người dân. Và từ nay trở đi, đây được xem là nguồn thu nhập chính, ổn định hàng năm, mang ý nghĩa to lớn đối với người dân vùng tái định cư”.

Những ngày qua, anh Lê Huy Tự (xã Đức Bồng) đã tiến hành cắt tỉa cam trong vườn để mang xuống chợ bán dần

Theo thông tin và số liệu ước tính ban đầu của Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, năm nay, huyện miền núi này có khoảng 1.450 ha cam cho quả ổn định, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, cho sản lượng khoảng 14.500 tấn.

Cam đầu mùa ở Vũ Quang có mức giá bình quân khoảng 24-25 ngàn đồng/kg, cá biệt có những vườn cam chín sớm, quả ngọt, chất lượng tốt thì được bán với mức giá từ 30-35 ngàn đồng/kg. Nếu duy trì hoặc tăng được mức giá này thì tối thiểu người làm vườn ở Vũ Quang sẽ thu về ít nhất 363 tỷ đồng.


Nguồn: Báo Hà Tĩnh